Sự hy sinh vì con cái của cha mẹ là vô bờ bến. Trong cuộc sống có những người cha, người mẹ đã trọn đời tảo tần lo cho con ăn học thành tài, mong sao con có được tương lai tươi đẹp, bất chấp cuộc sống hiện tại dù khó khăn, trắc trở. Những trường hợp dưới đây là một minh chứng ấy.
Một đời vì con
Ngày hay tin con trai là Phan Văn Phong trúng tuyển vào trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, chị Nguyễn Thị Út mừng vô kể. Đời chị vì nghèo khó nên không được học đến nơi đến chốn, nay con chị đã làm cho gia đình nở mặt nở mày với dòng họ và bà con xóm giềng. Rồi ngày con khăn gói lên Bình Dương học ĐH, chị cũng quyết định rời quê hương Kiên Giang để đồng hành cùng con trên bước đường học tập. Ở quê anh chị sống bằng nghề làm ruộng, cuộc sống cũng đủ ăn, nhưng vì tương lai của con, anh chị chấp nhận tạm xa nhau.
Chị kể: “Ban đầu tôi ở trọ với đứa cháu ở Bình Chuẩn, TX.Thuận An và đi phụ may. Đến năm 2018, tôi quyết định dời lên TP.Thủ Dầu Một tìm kế sinh sống, để con ngày ngày không phải di chuyển xa nữa”. Chị Út may mắn được nhận vào làm tại căn tin trường, thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng, mẹ con gói ghém cũng đủ trang trải trong cuộc sống. Khi được hỏi có nhớ nhà, nhớ quê không? Chị nói: “Nhớ lắm chứ, nhưng tôi không yên tâm khi con xa nhà một mình, bởi từ nhỏ nó không đi đâu xa. Tôi cực nhọc bao nhiêu cũng được, miễn sao đường tương lai của con rộng mở là tôi hạnh phúc lắm rồi”.
Hai con gái của chị Phương luôn chăm ngoan, học giỏi
Ca dao có câu: “Ai rằng công mẹ bằng non, thật ra công mẹ lại còn lớn hơn”. Sự hy sinh của đấng sinh thành thật bao la, trong xã hội không hiếm những người như vậy. Và cũng có những người mẹ, dù bản thân bị khuyết tật, nhưng vẫn luôn khát khao và nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng cho con. Chị Trương Thị Diễm Phương, một người khiếm thị là một trường hợp cụ thể. Chị như bước ra từ bóng tối khi có được gia đình hạnh phúc với hai cô con gái xinh xắn, ngoan hiền. Với người sáng mắt, nuôi con ăn học đã vất vả, với người khiếm thị như chị điều đó càng khó gấp trăm ngàn lần. Vậy mà chị đã nuôi dưỡng con nên người, động viên con chăm học. Tiếp xúc với chị Diễm Phương, chúng tôi càng khâm phục trước nghị lực của người mẹ khiếm thị ấy.
Lúc nhỏ, chị Phương chẳng may bị bệnh sốt bại liệt dẫn đến mù lòa. Chị chia sẻ: “Từ một người sáng mắt bỗng dưng bị khiếm thị, có những lúc tôi thật bi quan. Nhưng rồi với tình yêu thương của người thân, tôi dần lấy lại thăng bằng cuộc sống. Khi đã trưởng thành, tôi lập gia đình với một người đồng cảnh ngộ. Hiện nay chúng tôi đều làm massage tại Tỉnh hội Người mù”. Hy sinh tất cả vì con, trước kia chị vừa làm massage vừa tranh thủ đi bán vé số kiếm thêm thu nhập. Công việc cứ quần quật suốt ngày, nhưng chị Phương vẫn lo cho mái ấm gia đình, chăm sóc hai con thơ.
Tiếp xúc với hai con của chị, nhìn gương mặt rạng ngời hạnh phúc của các em, chúng tôi cảm nhận được tình thương của người mẹ khiếm thị đã dành cho các con. Em Nguyễn Thị Phương Thư, con gái đầu luôn tự hào về người mẹ thân yêu của mình. Em vẫn còn nhớ như in những ngày còn học mẫu giáo mẹ luôn dậy sớm chuẩn bị cho em đi học. Với mẹ, đôi tay chính là đôi mắt, nghe ai kể thắt bím tóc kiểu này kiểu nọ, mẹ đều xin được sờ vào để học cách thắt tóc cho con. Và có những đêm mẹ ngồi lắng nghe em học bài, rót cho con ly nước vì con mải mê học. Em hạnh phúc biết bao khi có được người mẹ như thế.
Hôm chúng tôi đến thăm đúng vào dịp chị Phương được nghỉ ca, chị vừa chuẩn bị xong bữa cơm chiều cho gia đình. Bữa ăn tuy đơn sơ nhưng chứa đựng cả tấm lòng của người mẹ khiếm thị dành cho các con. Các con chị lớn lên từng ngày cũng chính từ tấm lòng cao cả như trời biển, trách nhiệm của người mẹ đối với con. Trong ngôi nhà ấy tuy thiếu thốn vật chất nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
Nghĩa mẹ như biển rộng, thực tế đã chứng minh điều đó. Hy sinh vì con, có những người mẹ luôn dành phần khó về mình để đường tương lai của con được rộng mở. Với chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, ở xã Vĩnh Tân (TX. Tân Uyên) là một điển hình. Đang có công việc ổn định, nhẹ nhàng với thu nhập kha khá, chị quyết định nghỉ việc để cùng con về TP.Hồ Chí Minh học tại một trường THPT. Với nhiều người, họ cho con học nội trú, cuối tuần lên thăm con, việc ăn học giao cho trường, còn chị muốn tận tay mình nấu ăn cho con nên phải tạm thời sống kiểu “hai quê”. Nhiều năm liền chị cứ chạy đi chạy về từ Bình Dương lên TP.Hồ Chí Minh lo cho hai con trai, mặc cho thời gian bào mòn sức khỏe, nhan sắc của chị.
Chờ ngày hái quả ngọt
“Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận”, ông bà ta đã nói như vậy. Chính tình thương bao la như trời biển của những người mẹ ấy, các con của họ đã báo hiếu bằng cách học tập chăm chỉ, các em lần lượt đều vào đại học. Em Phan Văn Phong, con chị Nguyễn Thị Út, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 ngành kế toán của trường Đại học Thủ Dầu Một. Em chia sẻ, công ơn của mẹ là vô biên. Mẹ em luôn nâng niu, chăm sóc em từ tấm bé. Cảm nhận sâu sắc sự vất vả của mẹ, từ nhỏ em luôn cố gắng học tốt, những năm học phổ thông, nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Kết thúc năm nhất đại học, em cũng đạt loại giỏi. San sẻ gánh nặng cuộc sống với mẹ hiền, Phong vừa học, vừa đi làm kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Út làm công việc phụ căn tin trường Đại học Thủ Dầu Một
để nuôi con ăn học
Dồn tất cả tình thương cho con, chị Phương dù bị khiếm thị nhưng luôn mong muốn mang đến cho con những điều đẹp nhất, chị không quản ngại làm lụng vất vả để con có cuộc sống no đủ, ăn học thành tài. Đáp lại sự hy sinh cao cả của người mẹ, hai chị em Nguyễn Thị Phương Thư và Nguyễn Thị Hồng Thắm luôn phấn đấu học tốt. Với em Phương Thư, những năm học THPT em luôn đạt học sinh giỏi và 2 năm liền đạt giải khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn lịch sử. 2 năm trước, Thư đã nhận được học bổng vào trường ĐH Quốc tế Miền Đông. Và em tiếp tục thể hiện năng lực học tập, điểm trung bình cuối năm học đạt 9,47/10, riêng tiếng Anh, em đã thi và lấy chứng chỉ quốc tế với 6,5 điểm. Em tâm sự: “Món quà em dành tặng cho người mẹ thân yêu chính là thành tích học tập. Em mong đến ngày ra trường để có việc làm, để mẹ em không còn vất vả, để gia đình em có được nơi an cư ổn định, không phải sống tạm trong chiếc container như bây giờ”. Em Hồng Thắm, hiện đang học lớp 6 trường THCS Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), em cũng là học sinh học giỏi nhất, nhì lớp.
Còn với các con của chị Ngọc Hạnh, cảm được sự hy sinh, vất vả của người mẹ, các em cũng học thật giỏi. 2 con trai của chị lần lượt vào ĐH, đứa lớn đã tốt nghiệp ĐH Thủ Dầu Một, đứa nhỏ đang học năm thứ 2 trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Nhìn các con lớn khôn từng ngày, hạnh phúc của chị được nhân lên. Khi các con đã vào ĐH, chị Hạnh tiếp tục trở về với công việc yêu thích, bắt đầu trở lại vạch xuất phát. Chị tâm sự, chị không quản ngại những ngày tháng vất vả, chỉ mong con trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Trong xã hội, có rất nhiều người ăn học thành tài, trở thành doanh nhân hoặc người nổi tiếng nhờ sự tận tụy hy sinh một đời vì con của những người cha, người mẹ như thế. Họ chấp nhận làm bất cứ những công việc nặng nhọc, vất vả, những mong con họ được đổi đời. Xã hội luôn trân trọng tấm lòng cao cả của những con người ấy. Hy sinh một đời vì con, điều đó là phù hợp với truyền thống của người Việt Nam ta từ bao đời nay.
HỒNG THÁI