Văn phòng đăng ký đất đai một cửa được thành lập ngày 1-4-2015. Qua hơn 1 năm hoạt động đã cho thấy sự hiệu quả trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở (QSHNO)… Kết quả dễ thấy nhất là thời gian các tổ chức, cá nhân chờ cấp các loại giấy này được rút ngắn đến 20 ngày so với trước đây.
Nhu cầu gia tăng
Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa của Bình Dương đòi hỏi phải cho ra đời một cơ quan chứng nhận quyền sử dụng đất đai và nhà ở để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của các tổ chức, cá nhân. Nhớ lại ngày đầu thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cửa, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó (nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) đã nhắn nhủ: Phải tinh giản mọi thủ tục liên quan tới đất đai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Bình Dương; phải cải cách thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất đai để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh nhà.
Các chuyên gia nhận định, chỉ số tiếp cận đất đai của Bình Dương tăng từ 6,28 điểm năm 2014 lên 6,55 điểm năm 2015 và được dự đoán còn tăng trong năm 2016. Chỉ số tiếp cận đất đai là một thành phần quan trọng giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương được cải thiện trong thời gian tới. Quan trọng hơn, chỉ số tiếp cận đất đai càng cao thì càng rộng đường đón các nhà đầu tư, đây mới là điều tỉnh nhà mong muốn đạt được. |
Qua hơn 1 năm hoạt động, cho thấy sự ra đời của Văn phòng đăng ký đất đai một cửa là một chủ trương hết sức đúng đắn. Hiện nay, tại Bình Dương, tốc độ công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương phía bắc của tỉnh; trong khi đó tốc độ đô thị hóa cũng có sự tăng tốc ở các địa phương phía nam của tỉnh. Số liệu mới nhất cho thấy, tại văn phòng, riêng phần xác định đo đạc bản đồ tính từ đầu năm đến tháng 4-2016 là 1.665 hồ sơ, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; cấp GCN QSDĐ cho các tổ chức đạt 2.658 hồ sơ, tăng 5% và cấp GCN QSDĐ, QSHNO cho hộ gia đình, cá nhân đạt 19.320 hồ sơ, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có biến động mạnh về đất đai là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên…; những địa phương này quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra hết sức nhanh chóng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng đăng lý đất đai một cửa, chia sẻ so với Luật Đất đai năm 2003, hiện nay việc cấp giấy chứng nhận lần đầu giảm 20 ngày, đính chính giấy chứng nhận đã cấp sai giảm 7 ngày, chuyển mục đích sử dụng đất giảm còn 15 ngày, cấp lại do mất giấy chứng nhận giảm 5 ngày… Từ đầu năm đến nay, tổng hồ sơ văn phòng thực hiện là 47.630 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 46.199 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97%. Quy trình thực hiện cấp giấy chứng nhận hiện nay được thống nhất giữa các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ khi chưa thành lập văn phòng là 90%, đến nay đạt bình quân là 97%, có văn phòng chi nhánh đạt tỷ lệ 98 - 99%
Người dân đến làm thủ tục đăng ký đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai một cửa. Ảnh: XUÂN VĨ
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa
Ông Tùng cho biết thêm hiện Văn phòng đăng lý đất đai một cửa vẫn chưa thể rút ngắn thời gian nhiều hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân khi làm thủ tục liên quan tới đất đai, bởi Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Cấp mới giấy chứng nhận hiện vẫn còn 5% tỷ lệ trễ hạn, chỉnh lý trên giấy chứng nhận tỷ lệ trễ hạn là 20%... do phần mềm kết nối trao đổi thông tin của Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Thuế vẫn chưa hoàn chỉnh về yêu cầu kỹ thuật, đường truyền. Bên cạnh đó một phần chậm trễ là do sự biến động rất lớn về nhu cầu cấp giấy chứng nhận của các tổ chức, cá nhân.
Trong năm 2016, công tác trọng tâm của văn phòng là giải quyết dứt điểm các trường hợp tự ý tách thửa, phân lô bán nền, xây cất trái phép tồn đọng từ nhiều năm nay. Văn phòng phấn đấu đến cuối năm 2016, cơ sở dữ liệu địa chính được số hóa toàn tỉnh đạt trên 99%; giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận bảo đảm đúng quy trình, giảm tối đa tỷ lệ trễ hạn; đồng thời hoàn thiện phần mềm kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai.
Được biết tới đây, các Sở Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Tài chính... sẽ phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong việc cấp giấy chứng nhận liên quan tới đất đai và tài sản gắn liền trên đất nhằm bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng để tạo điều kiện cho Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
XUÂN VĨ