Bình Dương là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bình Dương là địa bàn quan trọng về mặt chiến lược quân sự, là cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, là căn cứ địa quan trọng của lực lượng cách mạng đã đi vào lịch sử như căn cứ Thuận An Hòa, chiến khu Đ, địa đạo Tam giác sắt, chiến khu Long Nguyên..., đã góp phần làm nên những chiến công của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao tặng kỷ niệm chương cho các cựu tù Nhà tù Phú Lợi
Nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân ta ở miền Nam, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ đã lập nên nhiều nhà tù như: Côn Đảo, Chí Hòa, Khám lớn Sài Gòn, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Quốc, Tân Hiệp... để giam cầm các tù nhân chính trị, các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Biến những đau thương trong quá khứ thành những hành động thiết thực trong hiện tại
Có thể khẳng định rằng chứng tích Nhà tù Phú Lợi là một minh chứng hùng hồn về tội ác của Mỹ - Diệm đối với đồng bào và chiến sĩ cách mạng, là một địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng đầy ý nghĩa cho thế hệ trẻ về cội nguồn lịch sử giữ nước của dân tộc, là bài học quý giá cho thế hệ mai sau hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống bình yên ngày nay. Thấu hiểu vai trò to lớn của Nhà tù Phú Lợi trong thời gian qua, cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm bảo tồn và vun đắp những dấu tích đau thương còn sót lại của nhà tù trở thành nơi giáo dục cho quần chúng nhân dân, cho các thế hệ mai sau trong cả nước, để biến những đau thương trong quá khứ thành những hành động thiết thực trong hiện tại, góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng quê hương đất nước...
Trong số đó, Nhà tù Phú Lợi được thành lập vào năm 1957. Tại đây vào những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12-1958, Mỹ - Diệm đã gây ra vụ đầu độc tù nhân chính trị. Sự kiện này đã gây nên sự phẫn nộ đối với những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, dấy lên làn sóng đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Di tích Nhà tù Phú Lợi là một chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh xâm lược của Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm. Với ý nghĩa đó, ngày 10-7-1980 Nhà tù Phú Lợi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thấm thoát đã trải qua hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày diễn ra sự kiện “Phú Lợi căm thù”, nhưng với những người có mặt tại thời điểm đó đều không thể quên được những gì đã xảy ra. Đến dự buổi lễ kỷ niệm 53 năm ngày “Phú Lợi căm thù”, chúng tôi được gặp nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày trong các cuộc kháng chiến trên miền đất Thủ thân thương. Xen lẫn với niềm vui đất nước được hòa bình, thống nhất và ngày càng phát triển, trong ánh mắt những chiến sĩ - cựu tù Phú Lợi ngày ấy vẫn hằn in những nỗi đau, mất mát mà quân địch đã gây ra cho chính bản thân họ và đồng bào. Bao kỷ niệm tràn về, các cụ, các bác đến để gặp gỡ đồng đội đã cùng mình chiến đấu và tưởng nhớ đến những bạn bè, chiến sĩ đã mãi mãi ra đi để bảo vệ đất nước.
Bà Nguyễn Thị Dạnh (SN 1945, Tân Uyên), ngậm ngùi kể, bà sinh ra trong gia đình nhiều đời theo cách mạng. Người cha kính mến của bà đã hướng con theo cách mạng khi bà còn là cô gái 17 tuổi. Năm 23 tuổi trong lúc đang là Hội phó Hội Phụ nữ xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên), bà bị bắt và bị đày đến nhà tù Thủ Đức. Trong lúc “bụng mang dạ chửa”, bị đánh đập và tra khảo dã man bà vẫn giữ lòng trung thành với Tổ quốc, quyết không khai căn cứ cách mạng. “Lúc đầu bị bắt, tôi bị chúng đánh đập và tra hỏi rất dã man. Thấy dọa không được chúng đe sẽ nhốt hai mẹ con tôi suốt đời, hai mẹ con tôi sẽ chết trong tù. Tuy nhiên là một cán bộ, một người cộng sản, tôi thà chết, thà hy sinh tất cả chứ quyết không khai”, bà Dạnh nói. Sau khi được thả, nhiều đêm liền bà mất ngủ vì chứng kiến những cảnh tượng tra tấn dã man đối với các đồng đội khác. Từ lòng căm thù đó, bà tiếp tục tham gia cách mạng, hoạt động mật, tăng gia để cung cấp cho tiền tuyến.
Tham gia cách mạng lúc 16 tuổi, đến năm 18 tuổi, ông Nguyễn Văn Dẻo (SN 1950, Tân Uyên) bị bắt đày ra đảo Phú Quốc. Bị quân địch tra tấn, đánh đập nhưng ông vẫn giữ một lòng trung kiên với Tổ quốc, luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ Cụ Hồ. Không thể chiến đấu bên ngoài, ông cùng các chiến sĩ khác đoàn kết chiến đấu trong tù, hơn 1.000 chiến sĩ bảo vệ nhau để sống và đấu tranh. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông Dẻo buồn buồn nói: “Trong thời điểm bị bắt, nhiều đồng đội không khai báo đã bị chúng đánh đập và mãi mãi ra đi. Được may mắn sống sót, tôi luôn cố gắng đóng góp sức mình cho sự phát triển của tỉnh, để nhớ ơn các anh em, đồng đội đã không còn”. Sau khi được thả, ông tích cực đóng góp sức mình cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau giải phóng, ông trở về quê hương làm Phó Chủ nhiệm CLB Hưu trí huyện Tân Uyên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Vĩnh Hiệp, Phó ban liên lạc xã Tân Vĩnh Hiệp.
Các em học sinh dâng hương tưởng nhớ những
chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống tại Nhà tù Phú Lợi
Cùng tham dự lễ kỷ niệm còn có hơn 100 em học sinh đến từ trường THCS Phú Hòa, phường Phú Hòa, TX.TDM. Những nén nhang thơm lần lượt được các em thành kính dâng lên đài tưởng niệm, phần nào thể hiện lòng biết ơn vô tận của các em đến các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ sự bình yên, độc lập cho đất nước. Em Nguyễn Thị Minh Hoàng, học sinh lớp 8A4, nói: “Lớp em thường xuyên tổ chức thăm, dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu nhà tù Phú Lợi. Mỗi lần đến thăm, em càng biết ơn các anh hùng đã từng bị giam cầm, chịu đựng đau đớn để bảo vệ quê hương. Trước những sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, chúng em luôn tự hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, chăm ngoan để xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp”.
Ngày nay, khu di tích Nhà tù Phú Lợi đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong năm 2010, di tích đã đón gần 38.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu lịch sử, về nguồn và tham gia hội trại... với đối tượng là khách tham quan theo đoàn, theo các tour du lịch lữ hành về với cội nguồn lịch sử dân tộc, đặc biệt là hàng ngàn học sinh, sinh viên từ TP.Hồ Chí Minh về tham quan và sinh hoạt ngoại khóa.
Đầu tư gần 47 tỷ đồng cho dự án trùng tu tôn tạo di tích Nhà tù Phú Lợi
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của di tích nhà tù Phú Lợi (ảnh), góp phần làm phong phú hơn về tư liệu lịch sử và hình thức trưng bày, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử cách mạng của địa phương và ngày càng phục vụ tốt hơn cho khách tham quan trong và ngoài nước. Sau quá trình chuẩn bị các thủ tục đầu tư, ngày 22-11-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3623/QĐ-UBND phê duyệt dự án công trình trùng tu, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Lợi với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng. Theo đó, chi phí xây lắp là hơn 24 tỷ đồng; chi phí thiết bị gần 15,5 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư, quản lý dự án và dự phòng phí là 7,4 tỷ triệu đồng, bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Xây dựng trên diện tích 7,7 ha, trong đó, phần trùng tu và tôn tạo lại các di tích gốc theo nguyên trạng ban đầu gồm: hàng rào di tích gốc, cổng di tích gốc, lo cốt trung tâm, lô cốt góc, nhà giam C, nhà kỷ luật, sàn nằm nhà giam A và B, sân nền tượng đại với diện tích 600m2; bên cạnh là phần xây dựng mới các hạng mục quản lý và phục vụ như: Nhà văn bia, cổng chào khu di tích, khối nhà làm việc, nhà trưng bày, chiếu phim, sân sinh hoạt cộng đồng, nhà hàng phục vụ khách tham quan...
Được biết, vừa qua (1-12-2011), công trình đã chính thức được khởi công xây dựng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là từ năm 2011 đến năm 2013.
BÌNH MINH
B.MINH - T.LÝ