Ai đã từng đặt chân đến Bình Nhâm (TX.Thuận An), ắt hẳn một lần được nghe kể về làng nghề mứt gừng nổi tiếng nơi đây và nếu may mắn sẽ được thưởng thức món sản phẩm truyền thống này. Thưởng thức rồi, bạn sẽ nhớ mãi hương vị khó quên của mứt gừng Bình Nhâm. Vậy nhưng…
Gừng sau khi xăm được ngâm nước chanh rồi phơi nắng cho trắng
Một thời “ngọt ngào”…
Những ngày này, người thợ làm mứt Bình Nhâm đang tất bật với công việc để cho ra lò những mẻ mứt gừng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Ghé thăm ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm vào những ngày này, điều dễ dàng nhận thấy là đâu đâu cũng có củ gừng và mùi gừng tươi cay cay nơi sống mũi. Gừng tươi mới mua về chất đống, gừng đang được cạo bỏ vỏ, gừng ngâm trong những thùng nước chanh to đùng đem phơi trước khoảng sân hẹp của mỗi gia đình…
Nhanh tay xếp những củ gừng đã được cạo vỏ, rửa sạch vào vỉ xăm, bà Nguyễn Thị Lan, 57 tuổi, ngụ khu B, ấp Bình Hòa, vừa làm vừa chia sẻ: “Cứ bước vào tháng tám âm lịch hàng năm là người dân làng nghề chúng tôi tìm đến những nơi trồng gừng để mua về làm mứt. Gừng phải được mua từ tháng tám âm lịch vì đây là thời điểm củ gừng vừa đúng độ. Củ gừng thu hoạch vào thời điểm này thì mứt sẽ không có xơ, lại dẻo. Củ gừng thu hoạch trước hoặc sau tháng tám âm lịch, nếu đem làm mứt thì sẽ không ngon…”.
Xếp xong những củ gừng vào vỉ xăm, bà Lan kể cho chúng tôi nghe tiếp về một thời hoàng kim của làng nghề mứt gừng Bình Nhâm: “Không biết nghề làm mứt gừng ở đây có từ bao giờ, nhưng hồi còn nhỏ xíu tôi đã biết phụ giúp gia đình làm mứt mỗi khi tết đến. Ngày đó, cứ bắt đầu vào vụ làm mứt là xe chở đường, chở gừng, chở mứt cứ tấp nập đến rồi đi.
Trẻ con, người già, tất cả đều xắn tay vào cùng làm. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới, rộn ràng nhộn nhịp. Hương thơm của gừng, vị ngọt của đường nóng chảy hòa quyện vào không khí lan tỏa trên mỗi nẻo đường vàở đâu cũng ngửi thấy vị ngọt của đường, mùi thơm của mứt mới ra lò. Tháng tám âm lịch hàng năm là dường như tết đãđến với người dân làng nghề mứt gừng Bình Nhâm…”.
Bà Nguyễn Thị Lan, người làm mứt gừng lâu năm bên đống gừng vừa được cạo sạch vỏ chuẩn bị đưa lên máy xăm
Chỉ chiếc máy xăm củ gừng trước mặt, bà Lan cho biết, cách đây mươi năm, nghềlàm mứt gừng chưa có máy xăm mà phải xăm bằng tay, mất nhiều công sức nhưng bình quân mỗi gia đình cũng cho ra lò hơn 600kg mứt gừng mỗi vụ, thu lời khoảng 30 - 40 triệu đồng/ vụ mứt tết. Sản phẩm mứt gừng Bình Nhâm ngày đó hầu như có mặt khắp nơi trong nước. Người dân Bình Nhâm không chỉ có vị ngọt của mứt gừng mà còn có cả vị “ngọt” no đủ, sung túc nhờ nghề làm mứt gừng...
Và, vị “cay” của người làm mứt!
Theo ông Huỳnh Văn Tài, Trưởng ấp Bình Hòa, xã Bình Nhâm, mứt gừng Bình Nhâm được nhiều người ưa thích vì vừa trắng, vừa dẻo lại thơm ngon. Dẫu vậy, những năm gần đây làng nghề mứt gừng vẫn lao đao vì sức mua của thị trường giảm, lại phải cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang.
Thăng trầm là vậy nhưng người dân nơi đây vẫn quyết giữ nghề truyền thống của ông cha để lại. Còn ông Phạm Phú Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhâm chia sẻ, mứt gừng Bình Nhâm vốn nổi tiếng từ bao đời nay. Hương vị mứt gừng nơi đây có sự khác biệt so với sản phẩm mứt gừng các vùng khác bởi được làm với một “bí quyết” riêng nên ít cay, miếng mứt vừa trắng, vừa dẻo có thể để cả năm mà mùi vị vẫn không thay đổi. Vậy nhưng, cũng theo ông Nam, những năm gần đây số hộ làm mứt gừng tại làng nghề mứt gừng Bình Nhâm đã giảm đáng kể, chỉ còn hơn 20 hộ ở ấp Bình Hòa vẫn bám được với nghề, còn lại các hộ khác nếu có cũng chỉ làm cầm chừng vì thiếu đầu ra.
Ông Thái Vinh Hạnh, 57 tuổi, là người làm mứt gừng lâu năm trong nghề ở xã Bình Nhâm, cho biết: “Hơn 30 năm theo nghề, củ gừng cay một thời cho làng tôi cuộc sống no đủ nhưng giờ đây người thợ làm mứt đang dần quay lưng với nghề để làm việc khác. Nhiều người làm nghề mứt gừng Bình Nhâm đãcảm nhận được vị “cay” thực sự của nghề khi phải bỏ nghề…”.
Vẫn còn đó củ gừng mua về chất đống, vẫn còn người cạo vỏ gừng và bếp lửa làng nghề vẫn cháy… nhưng làng mứt gừng Bình Nhâm không còn tất bật, hối hả như trước. Đến làng nghề mứt gừng Bình Nhâm vào những ngày này, vị ngọt của đường, vị thơm của gừng không còn hòa quyện lan tỏa khắp cả làng quê như xưa. Người thợ làm mứt nơi đây đang đau đáu, nuối tiếc thời hoàng kim và xót xa trước sự mai một của làng nghề.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tài, cho biết thêm, sức mua không tăng, trong khi thị trường có quá nhiều các loại mứt, bánh kẹo công nghiệp nên sản phẩm của làng nghề rất khó chen chân. Cái khó nữa cho người làng nghề mứt gừng Bình Nhâm là giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng nên lợi nhuận giảm, do vậy mà người làm mứt không còn mặn mà với nghề này…
Khó khăn là vậy nhưng điều đáng quý là ở Bình Nhâm vẫn còn rất nhiều người vẫn bám trụ với nghề làm mứt, nhất là những người lớn tuổi. Họ làm mứt không chỉ để kiếm thêm thu nhập, lo cho cái tết của gia đình mà còn vì yêu nghề, tâm huyết với nghề. Vì thế, dù biết lời lãi không đáng công sức bỏ ra nhưng cứ “đến hẹn lại lên”, nhiều người dân xã Bình Nhâm vẫn làm mứt để giữ nghề cho con cháu mai sau, cũng như để thỏa lòng đam mê với nghề và gửi vào đó niềm tin về sự phát triển vào ngày mai…
Theo người làm mứt Bình Nhâm, từ củ gừng tươi mua về đến khi thành sản phẩm mứt gừng thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Củ gừng sau khi lựa chọn kỹ, được mang cạo bỏ vỏ rồi ngâm qua nước muối một đêm. Sau đó, gừng được rửa sạch rồi xếp lên vỉ xăm, tiếp đóđược đem ngâm với nước chanh và phơi nắng cho trắng. Sau giai đoạn này, gừng được luộc cho bớt mùi cay nồng, rồi mới đến giai đoạn ướp đường cho thấm vàđem sên trên bếp lửa hồng…
• PHƯƠNG AN