Một loại vi khuẩn trong đất có thể giúp con người đưa thuốc vào các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
Bào tử của vi khuẩn Clostridium sporogenes chỉ có thể sống trong môi trường không có oxy
Clostridium sporogenes là một trong những chủng vi khuẩn cổ xưa sống trong đất. Chúng xuất hiện khi oxy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong khí quyển. Vì thế chúng có thể tồn tại trong môi trường ít oxy. Bào tử của C.sporogenes chỉ sinh trưởng trong các khối u cứng – như khối u ngực, não và tuyến tiền liệt. Chúng không thể tồn tại trong các mô khác của cơ thể, bởi các mô đó chứa oxy.
Vì thế các nhà khoa học của Đại học Maastricht tại Hà Lan và Nottingham (Anh) nảy ra ý tưởng dùng bào tử C.sporogenes để đưa thuốc vào các tế bào ung thư. Họ cấy một enzyme đặc biệt vào bên trong bào tử vi khuẩn. Enzyme này có thể kích hoạt thuốc khi bào tử chui vào khối u, BBC đưa tin.
Trong các thử nghiệm đối với động vật, thuốc hoạt động sau khi được enzyme kích hoạt. Sau đó nó tiêu diệt tế bào ung thư.
“Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Chúng ta có thể tận dụng hiện tượng này để tiêu diệt tế bào ung thư song không động đến các mô bình thường”, giáo sư Nigel Minton của Đại học Nottingham, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Tìm ra những cách thức để loại bỏ tế bào ung thư nhưng không làm hại tế bào khỏe mạnh là một trong những mục tiêu chính của giới khoa học trên toàn thế giới.
Theo VNE