Vì sao số hồ sơ phát sinh qua môi trường mạng chưa cao?

Cập nhật: 28-05-2021 | 08:54:07

Thực tế cho thấy, số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) mà người dân, doanh nghiệp nộp, phát sinh qua môi trường mạng (hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3, 4) của tỉnh sử dụng chưa nhiều, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Người dân nộp hồ sơ trực tiếp và thanh toán phí qua thẻ ATM, nhận hồ sơ kết quả qua đường bưu điện, góp phần hạn chế đông người, tiết kiệm thời gian

Nhiều địa phương ít phát sinh hồ sơ mức độ 3, 4

Theo ghi nhận của phóng viên, việc chỉ đạo triển khai tiếp nhận hồ sơ mức độ 3, 4 của tỉnh qua môi trường mạng thời gian qua là rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều địa phương số hồ sơ phát sinh không nhiều. Có nhiều địa phương như huyện Dầu Tiếng hầu như không phát sinh hồ sơ mức độ 3, 4. Giải thích vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo của huyện Dầu Tiếng cho biết nguyên nhân do trình độ và sự quan tâm sử dụng dịch vụ công chưa đồng đều ở người dân nên có tâm lý không an tâm khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Song song đó, việc chưa có chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử chưa triển khai cũng là một trở ngại cho việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng giai đoạn 2021-2030, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, hầu hết các mục tiêu cải cách hành chính đều đạt so với mục tiêu Chính phủ đề ra, chỉ có 1 mục tiêu chưa đạt, cụ thể là tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC... Trong thực tế, toàn tỉnh chỉ có khoảng 17% hồ sơ trực tuyến ở cấp tỉnh và 1% hồ sơ trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã. Con số này còn quá thấp so với chỉ tiêu của tỉnh đề ra.

Giải thích nguyên nhân của vấn đề này, ông Lai Xuân Thành, nguyên Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), cho rằng: “Dịch vụ công vẫn chưa thật sự tiện lợi khi dùng. Bởi lẽ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cải tiến toàn diện quy trình công việc, nhưng chúng ta phải buộc nó làm theo quy trình thủ tục bằng giấy cổ điển và cơ quan Nhà nước phải chia sẻ dữ liệu do Nhà nước đã cấp cho cá nhân, tổ chức. Mặt khác, cơ quan Nhà nước này yêu cầu cá nhân xác thực khi có nhu cầu của cơ quan Nhà nước khác. Nguyên nhân nữa, đó là công tác tuyên truyền từ cơ sở hiệu quả chưa cao, chưa được cán bộ “một cửa” hướng dẫn đầy đủ, chưa có chính sách khuyến khích sử dụng…”.

Đâu là giải pháp?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 cho phép người dân, tổ chức ở nhà vẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục, sẽ góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là việc làm được Chính phủ, bộ ngành, UBND tỉnh khuyến khích thực hiện. Vậy, giải pháp nào để giải quyết bài toán này?

Hiện tại, việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của địa phương lên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa đạt 30%. Căn cứ nhiệm vụ được UBND tỉnh giao là phải triển khai ít nhất 30% dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay đã thực hiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh 1.100 dịch vụ công mức độ 3, 4 thì số lượng phải tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia ít nhất là 370 dịch vụ. Tuy nhiên, con số này chưa thực hiện được do dữ liệu phát sinh nhiều và tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt so với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc này đòi hỏi tốn nhiều thời gian, nguồn lực tài chính, phải huy động nhiều nguồn lực từ nhiều cơ quan khác nhau để phối hợp triển khai; đồng thời phải bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định pháp luật.

Giải pháp khắc phục là Sở TT-TT đã, đang tập trung nguồn lực để phân nhóm, phân vai thực hiện việc đấu nối điều chỉnh, bảo đảm tuân thủ đầy đủ thủ tục trình tự. Trong quý I-2021, sở đã phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện đăng ký thêm và triển khai trên 30% trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp khi nộp trực tiếp và trực tuyến đều được xử lý 100% trên phần mềm “một cửa” điện tử tập trung của tỉnh. Bên cạnh đó, phần mềm cũng thường xuyên được nâng cấp bảo đảm phục vụ cho các cơ quan, đơn vị có thể xử lý TTHC của người dân, doanh nghiệp…

Để nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở TT-TT đã kiến nghị Bộ TT-TT, các, bộ ngành Trung ương xây dựng quy trình thực hiện TTHC theo hướng linh hoạt khi ứng dụng CNTT. Các cơ quan Nhà nước phải xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung. Mỗi công dân sử dụng một mã định danh duy nhất cho mọi giấy tờ được cấp từ cơ quan Nhà nước. Giải pháp trước mắt, Sở TT-TT tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cơ quan, địa phương phải tổ chức cho cán bộ “một cửa” và tình nguyện viên hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thông qua môi trường mạng, giúp tạo tài khoản và đính kèm hướng dẫn cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vào hồ sơ trả cho người dân để lần nộp hồ sơ/sử dụng dịch vụ hành chính công tiếp theo người dân có thể tự mình thực hiện thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh.

Cùng với đó, cần có giải pháp khuyến khích và ưu tiên xử lý sớm những hồ sơ nộp qua mạng; tăng cường tần suất tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4; nâng cao năng lực nhân viên đường dây “nóng” 1022 trong việc giải đáp thắc mắc về TTHC và hỗ trợ người dân kịp thời các vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC. Song song đó là triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực điện tử; từng bước rà soát, cải tiến các khâu thực hiện điền thông tin vào các biểu mẫu hồ sơ trực tuyến thuận lợi hơn.

Sở TT-TT đã, đang tập trung nguồn lực để phân nhóm, phân vai thực hiện việc đấu nối điều chỉnh, bảo đảm tuân thủ đầy đủ thủ tục trình tự. Trong quý I-2021, sở đã phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện đăng ký thêm và triển khai trên 30% trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, tất cả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp khi nộp trực tiếp và trực tuyến đều được xử lý 100% trên phần mềm “một cửa” điện tử tập trung của tỉnh. Bên cạnh đó, phần mềm cũng thường xuyên được nâng cấp bảo đảm phục vụ cho các cơ quan, đơn vị có thể xử lý TTHC của người dân, doanh nghiệp…

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1340
Quay lên trên