Việt Nam có đủ nhân lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Cập nhật: 28-01-2016 | 09:10:21

Việt Nam đã có kinh nghiệm 32 năm vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: TTXVN)

Theo kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến về điện hạt nhân cũng như hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến sự thành công của dự án điện hạt nhân cũng như của chương trình phát triển điện hạt nhân.

Đối với quốc gia triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên như Việt Nam, việc có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng ngay từ giai đoạn đầu của dự án là không thể thực hiện được, nhưng Việt Nam có đủ nhân lực khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành.

Lợi thế về tích lũy kinh nghiệm

Là quốc gia trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên, Việt Nam có những thuận lợi mà không phải bất cứ quốc gia nào mới phát triển chương trình điện hạt nhân cũng có được, đó là số lượng khá đông và phong phú với khoảng 1.300 cán bộ được đào tạo về công nghệ hạt nhân, trong đó, cơ cấu cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tới 32 năm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đảm bảo an toàn, các cán bộ Việt Nam, đặc biệt là Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt đã tích lũy được những kiến thức về thực nghiệm và tính toán thông số vật lý-kỹ thuật lò phản ứng.

Ngoài ra, Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có am hiểu và nghiên cứu nhiều năm về các lĩnh vực liên quan như: cấu trúc hạt nhân, số liệu hạt nhân, an toàn bức xạ, quản lý chất thải, đánh giá tác động môi trường…

Đặc biệt, Việt Nam vừa phối hợp với IAEA, Mỹ và Nga thực hiện thành công việc chuyển đổi vùng hoạt nhiên liệu từ độ giàu cao sang độ giàu thấp và chuyển trả nhiên liệu đã cháy về Nga vào tháng 7/2013.

Theo đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận các kỹ thuật về tính toán, thiết kế, lắp đặt, đo đạc thực nghiệm… lò phản ứng, cũng như đã quản lý và giám sát tốt toàn bộ quá trình thực hiện công việc phức tạp này.

Đồng thời, thành tựu của 20 năm đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đem lại cho Việt Nam một lực lượng kỹ sư công nghệ, cán bộ kỹ thuật về xây lắp, cơ khí, tự động hóa, điện tử, hóa học, chế tạo máy… trưởng thành qua quá trình tham gia những công trình công nghiệp lớn về dầu khí, nhiệt điện, thủy điện… của đất nước.

Đây sẽ là những nhân tố quan trọng bên cạnh đội ngũ các cán bộ, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân để trở thành một lực lượng tổng thể phục vụ dự án nhà máy điện hạt nhân.

Ông Valery Karezin - Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cho rằng: Đào tạo nhân sự vận hành nhà máy điện hạt nhân không thể thành công nếu nền khoa học cơ bản không được phát triển mạnh mẽ.

Do vậy, với lợi thế của Việt Nam là có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp kỹ thuật về khoa học, kỹ thuật và công nghệ tốt, có kinh nghiệm về đào tạo, hạ tầng cơ sở cho việc đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân rất thuận lợi.

Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu

Theo Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II khoảng 2.200 người.

Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học hơn 800 người, cao đẳng nghề hơn 900 người và gần 400 lao động phổ thông.

Các giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch gồm rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm số lượng và cơ cấu chuyên môn phù hợp; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân; xây dựng và hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường trang thiết bị, phương tiện giảng dạy; đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế; thường xuyên áp dụng cách tiếp cận tổng thể trong kế hoạch đào tạo đối với từng đơn vị và từng nhóm chuyên môn/công việc.

Điều quan trọng là quá trình đào tạo nguồn nhân lực phải gắn kết việc triển khai kế hoạch với các chương trình nghiên cứu, các nhiệm vụ của thực tiễn quản lý và kỹ thuật của chương trình điện hạt nhân.

Thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, từ năm 2010 Nga và Việt Nam đã triển khai một chương trình huấn luyện nhân lực công nghiệp hạt nhân cho Việt Nam tại Nga, đến năm 2015 đã có gần 400 sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Nga về công nghệ hạt nhân và lứa sinh viên đầu tiên của Việt Nam sẽ tốt nghiệp vào cuối năm 2016.

Cũng theo ông Valery Karezin, Nga cũng đã tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam thực tập tại các công trình nhà máy điện hạt nhân đang được thi công.

Năm 2014 đã có hơn 150 chuyên gia hoàn thành khóa thực tập tại công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov.

Cùng với việc đào tạo tại Nga thì Việt Nam cũng phối hợp với Nhật Bản tìm kiếm và lựa chọn những học sinh xuất sắc học tập về ngành điện hạt nhân tại Nhật Bản, dự kiến khoảng 20 người/năm.

Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng của các lượt cán bộ tham dự các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản lý và kỹ thuật tại Nhật Bản.

Các nhân sự này sau khi về nước sẽ tiếp tục tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu khác ở trong và ngoài nước tùy thuộc vào vị trí, chức danh công nghiệp được phân công.

Ngoài ra, trong những năm qua, một số lượng cán bộ kỹ thuật của Việt Nam cũng đã tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sỹ tại các nước tiên tiến trong lĩnh vực điện hạt nhân.

Đây là một tiền đề quan trọng trong việc hoàn thiện một số nội dung phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, củng cố niềm tin của công chúng và cộng đồng quốc tế đối với thực tiễn vận hành, quản lý an toàn năng lượng hạt nhân ở Việt Nam.

Theo ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, việc đào tạo nhân lực cho phát triển điện hạt nhân triển khai theo đúng kế hoạch thì Việt Nam đủ nhân lực khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành.

Ông nhấn mạnh, hiện một số chính sách, quy chế đặc thù nhằm thu hút những người tham gia chương trình điện hạt nhân đã được đề xuất nhằm bổ sung những điều chưa có trong những chính sách ưu đãi ban hành trước đó.

Những chính sách này đem lại cơ hội được hưởng những chế độ ưu đãi cho người hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân, tuy nhiên số lượng được hưởng chỉ tập trung vào một số nhóm nhất định nên không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí từ nguồn vốn ngân sách./.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1031
Quay lên trên