Phó giáo sư Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội lao và bệnh phổi Việt Nam khẳng định, dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam còn ở mức cao, cứ mỗi giờ có hai người chết vì căn bệnh này.
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Hội lao và bệnh phổi, Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân cao nhất trên thế giới và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh nhân lao đa kháng cao. Đặc biệt, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 18.000 người tử vong do lao.
Đánh giá về công tác phòng chống lao, ông Sỹ cho hay, những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới phòng chống lao từ Trung ương xuống địa phương. Các kỹ thuật tiên tiến nhất đã được cập nhật tại Việt Nam về chuẩn đoán, điều trị và dự phòng; huy động được các nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống lao.
Trong Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt ra mục tiêu không còn bệnh lao, giảm số người bị mắc bệnh lao, chết do lao và giảm sự lây nhiễm bệnh lao để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh lao dưới 20/100.000 người dân vào năm 2030.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Sỹ cũng nhận định rằng công tác phòng chống lao vẫn gặp nhiều thách thức như: Dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao. Lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp do sự gia tăng của y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, diện bao phủ dịch vụ kiểm soát lao kháng thuốc còn thấp; thiếu nguồn nhân lực cho công tác chống lao trong trại giam.
Theo VnMedia