Vốn cho vay hộ nghèo: Cần thêm nguồn vốn - Kỳ 1

Cập nhật: 21-09-2015 | 08:16:55

Kỳ 1: Phát huy hiệu quả

 Cho vay hộ nghèo, cận nghèo là một trong 8 chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện từ năm 2009. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Bình Dương đã giảm đáng kể. Tuy vậy, quá trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo thời gian qua cũng gặp khó khăn, đó là nguồn vốn tín dụng còn thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng phục vụ người nghèo.

 Ông Nguyễn Được có nhu nhập ổn định nhờ vay vốn hộ nghèo, cận nghèo của NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương. Trong ảnh: Gia đình ông Được thu hoạch hoa lan đưa đi tiêu thụ. Ảnh: T.HỒNG

 Thoát nghèo nhờ có vốn vay

Ông Nguyễn Được ở tổ 1A, ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát, trước đây là một hộ gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nay đã vươn lên thoát nghèo. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, sức khỏe kém, lại nuôi 3 con nhỏ ăn học khiến cho gia đình ông quanh năm thiếu thốn. Ngôi nhà lợp tôn tạm bợ của gia đình ông khi trời mưa thì dột, lúc nắng nóng thì ngột ngạt.

Ông Được cho biết năm 2008, từ nguồn vốn vay hộ nghèo, cận nghèo của NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương kết hợp với những hỗ trợ của các hội, đoàn thể tại địa phương, gia đình ông đã tổ chức chăn nuôi, kết hợp trồng hoa màu. Đến nay, gia đình ông đã có thu nhập ổn định từ nghề trồng lan cắt cành, ông đã sửa sang ngôi nhà khang trang hơn. “Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và ngân hàng đã giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống như hôm nay”, ông Được nói.

Không chỉ gia đình ông Được, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TX.Bến Cát đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ban đầu, vươn lên thoát nghèo như hộ ông Nguyễn Văn Ngắn (xã An Tây), hộ bà Trần Thị Yến (xã An Điền)...

Vốn chưa đáp ứng nhu cầu

Thời gian qua NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã có những giải pháp kịp thời, tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Các hộ gia đình sau khi vay vốn hộ nghèo, cận nghèo đều phát triển kinh tế tốt, nhiều hộ đã thoát nghèo. Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn chưa theo kịp nhu cầu vay vốn.

Ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, trong thời gian tới nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo sẽ gia tăng. Do vậy, các sở, ngành cần tham mưu UBND tỉnh để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH - Chi nhánh tỉnh để cho vay đối với nhóm đối tượng chính sách này.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Tân Uyên, cho biết nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn thị xã rất cao nhưng nguồn vốn của NHCSXH chỉ mới giải quyết được 50% nhu cầu vay vốn. Vì thế nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa tiếp cận được vốn chính sách. Bà Hồng cho rằng, do nguồn vốn chính sách hạn hẹp nên thị xã giải quyết cho vay rải đều, ai cũng có nhưng không nhiều, mức vay khoảng 15 - 20 triệu đồng/hộ không đủ để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất.

Còn ông Lê Văn Danh, Trưởng ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát, cho biết đến cuối tháng 8-2015 đã có 10 hộ gia đình trong ấp được vay vốn hộ nghèo, cận nghèo; còn 6 hộ trong ấp muốn vay để xóa đói giảm nghèo nhưng nguồn vốn vay không đủ. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Bình Dương nâng số lượt hộ vay, mức vay nhưng đến nay chưa có kết quả”, ông Danh nói.

Sớm tháo gỡ khó khăn

Ông Lương Văn Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Bến Cát, cho rằng tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo là tốt song cơ chế, lãi suất cho vay còn là điều đáng bàn. Lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 0,55%/tháng trong điều kiện mặt bằng lãi suất chung ở các chương trình khác như Quỹ hỗ trợ nông dân chỉ 0,5%/tháng, là chưa phù hợp. Thực tế tình hình sản xuất - kinh doanh của người dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, đầu ra sản phẩm bấp bênh nên cần được vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn.

Bà Hồng cho biết thời gian qua nhiều tổ chức hội, đoàn thể ở các phường, xã, thị trấn ở TX.Tân Uyên đã có cách làm hay đó là phân công cán bộ, hội viên sản xuất - kinh doanh giỏi hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo cách làm ăn, đồng thời cung cấp thông tin thị trường để họ có thể vận dụng trong quá trình sản xuất. Nhưng do nguồn vốn ít, dù có mô hình hiệu quả để phát triển cũng chưa thể áp dụng. “Cần tạo điều kiện vay vốn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh để giúp nhiều người có việc làm, qua đó gián tiếp hạn chế số hộ nghèo, cận nghèo phát sinh”, bà Hồng nói.

Theo kết quả phúc tra hộ nghèo, cận nghèo mới đây của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Bến Cát, đầu năm 2015 thị xã có 230 hộ nghèo và 185 hộ cận nghèo, đến nay đã giảm 52 hộ nghèo nhưng lại phát sinh mới 9 hộ nghèo; còn đối tượng cận nghèo đã giảm 46 hộ nhưng tăng mới 24 hộ.

Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều hộ nghèo có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ và làm thuê. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, sản xuất ngày một tăng, chưa kể đến tình trạng được mùa mất giá, do vậy nhiều hộ vừa thoát nghèo lại gặp khó khăn đột xuất như bệnh tật, tai nạn bất ngờ... lại tái nghèo. Ông Lê Văn Danh kiến nghị để hạn chế việc tái nghèo cần có thêm khoảng thời gian vay khoảng 3 năm hoặc tăng vốn để họ có thể tiếp tục vay vốn ưu đãi, nâng cao khả năng thoát nghèo bền vững hơn.

Kỳ 2: Nguồn cho vay sẽ dồi dào hơn

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1279
Quay lên trên