Hiện nay, với những thuận lợi từ thị trường đem lại, các doanh nghiệp (DN) trong nước mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thực hiện được mong muốn này, các chuyên gia cho biết các DN phải giải quyết được vấn đề mặt bằng, vốn, lao động chất lượng cao.
Lãnh đạo Sở Công thương thăm nhà máy cơ khí CNC, Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An. Ảnh: TIỂU MY
Doanh nghiệp còn gặp khó
Thời gian gần đây, việc kết nối, giao thương giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng rộng mở, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực. Hiện DN Việt Nam có nhiều thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản…
Ghi nhận cho thấy, thị trường DN trong nước hoạt động trên lĩnh vực cơ khí chính xác đang có nhiều lợi thế, tuy nhiên số đơn hàng rất nhiều nhưng năng lực sản xuất của DN có hạn. Theo ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, các DN thành viên đều có đơn hàng ổn định trong năm 2019. Nhiều DN ngành cơ điện trên địa bàn tỉnh rất muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, điều mà các DN trong nước đang trăn trở là nhiều công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp cơ điện tử đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, các DN trong nước có nguy cơ bị lùi về phía sau.
Tại buổi làm việc với ngành công thương Bình Dương mới đây, đại diện các DN trong Hiệp hội Giày da túi xách Bình Dương cho rằng cơ hội thị trường đang rất lớn nhưng một số DN giày da đang gặp khó khăn trong thủ tục xin mở rộng mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, các DN cũng đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất có sự cạnh tranh quyết liệt so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, các DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài đang có sự sự cạnh tranh quyết liệt về tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tiền lương nhân công ngày càng lên cao, khiến không ít DN trong nước gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu không mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng thì DN sẽ lỡ cơ hội phát triển. Chẳng hạn như đối với ngành dệt may, khi tuyển công nhân các DN đều ưu tiên những người có kinh nghiệm và tay nghề cao. Tuy nhiên, số lượng lao động có trình độ cao của ngành dệt may còn ít khiến các DN trong nước lúng túng.
Theo ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, năm 2018 công ty đạt doanh thu 28 triệu USD. Ngay từ đầu năm 2019, công ty nhận được nhiều đơn hàng từ các DN nước ngoài. Hiện công ty không thể nhận thêm đơn hàng vì quy mô nhà máy hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Liêm cũng kiến nghị các ngành chức năng tạo điều kiện để DN gỗ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn nhằm đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trước những cơ hội mới.
Tăng cường liên kết, ứng dụng công nghệ
Hiện nay, phần lớn DN trong nước thuộc dạng vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu so với các DN nước ngoài. Điều đáng nói, trong điều kiện đó, việc liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong nước vẫn còn nhiều bất cập. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các DN trong nước và cũng là nguyên nhân khiến các DN nước ta khó tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tại buổi làm việc với các hiệp hội ngành hàng đầu năm 2019, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, đặc biệt lưu ý đến sự gắn kết của các thành viên trong hiệp hội ngành hàng. Bà cho biết trong phạm vi trách nhiệm của mình, ngành công thương ghi nhận và trình lên cấp trên những vấn đề khó khăn của DN trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời mong muốn sự gắn kết, đoàn kết trong sản xuất để các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng trong tình hình mới. Điều quan trọng nữa, các DN cần có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các ngành chức năng để được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, thị trường...
Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện có sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt như hiện nay, nhân tố máy móc thiết bị và công nghệ có vai trò quan trọng và có tính quyết định đến sự thành công của DN. Máy móc thiết bị và công nghệ tiên tiến sẽ làm cho năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tăng. Điều đó ảnh hưởng đến giá thành và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh của DN. Chính vì vậy, muốn mở rộng sản xuất, các DN cần chú trọng đến yếu tố công nghệ, đầu tư máy móc. Cùng với đó, khi quy mô DN mở rộng, lãnh đạo DN cũng cần nâng cao kỹ năng quản trị; quan tâm đến thương hiệu sản phẩm của mình…
Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết năm 2019, ngành dệt may Việt Nam có khả năng phát triển tốt và mục tiêu tăng trưởng khả quan. Bởi hiện nay, một số sản phẩm dệt may của DN trong nước có tính cạnh tranh cao. Cùng với đó, các DN trong nước đã chú trọng đầu tư vào ngành dệt nhuộm, bước đầu hình thành nên chuỗi cung ứng. Các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của hàng dệt may Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản có nhu cầu ổn định, trong khi đó các thị trường mới cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, ngoài vốn, DN dệt may còn gặp khó khăn là còn thiếu lao động trình độ tay nghề cao, nguồn nguyên phụ liệu chưa ổn định.
TIỂU MY