Vượt khó, kiên định mục tiêu tăng trưởng - Kỳ 3

Cập nhật: 15-04-2020 | 08:31:24

Kỳ 3: Xuất nhập khẩu nắm bắt cơ hội bứt phá

 Dịch Covid-19 có thể được kiểm soát tốt hơn, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, thị trường Trung Quốc dần mở cửa trở lại… là những điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, nội lực từ những giải pháp mạnh của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp (DN) được nhận định sẽ là cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) những tháng tới.

 Chuẩn bị xuất hàng tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

 Duy trì đơn hàng

Quý I-2020, kim ngạch XK của tỉnh ước đạt hơn 5,8 tỷ USD, tăng 3,6%. Đáng chú ý, các mặt hàng XK chủ lực có mức tăng khá như hàng dệt may tăng 3,7%; giày dép tăng 3,1%; sản phẩm bằng gỗ tăng 3,5%; máy tính, sản phẩm điện tử cũng tăng 3,4%... so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (NK) ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 4,3%. Nếu so sánh mức tăng trưởng XK dương của các địa phương và mức suy giảm của hàng loạt các quốc gia lân cận, Bình Dương được đánh giá là đã vượt qua quý đầu tiên của năm 2020 tương đối thành công. Hoạt động ngoại thương cũng mang lại thặng dư thương mại đạt 1,6 tỷ USD, tạo nguồn ngoại tệ ổn định, là động lực gia tăng kim ngạch lớn trong những tháng tiếp theo.

Sở Công thương cũng sớm kết nối với tham tán thương mại tại các nước để hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại các thị trường trọng điểm. Theo kế hoạch, Sở Công thương sẽ sớm tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa; Hội chợ Quốc tế máy chế biến gỗ và nguyên liệu gỗ - Bifa Wood Viet Nam 2020; Triển lãm Gốm sứ - Thủ công mỹ nghệ tỉnh Bình Dương với các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời Sở Công thương cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Dương tại nước ngoài (Hàn Quốc và Trung Đông). Hiện nay, sở đã và đang tiếp tục thực hiện và triển khai ứng dụng Sàn Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN kết nối với các đối tác.

Những tháng tới, tình hình liệu có sáng hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp? Trả lời vấn đề này, đại diện nhiều DN ngành XK gỗ Bình Dương vẫn khá lạc quan. Một số DN vẫn bảo đảm tiến độ sản xuất trong dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều công ty đã xây dựng được hệ thống bán hàng online giúp chủ động được thị trường và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Cộng đồng DN ngành gỗ Bình Dương đang triển khai hợp tác với các sàn giao dịch điện tử lớn trên thế giới như Tập đoàn Alibaba, Amazon… Hiệp hội Gỗ Bình Dương (BIFA) hỗ trợ thành viên bằng cách liên tục mở các lớp tập huấn giao dịch online. Hiện giao dịch qua kênh thương mại điện tử chiếm khoảng hơn 50% số đơn hàng của các DN gỗ trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An), cho biết để chủ động XK, hoàn thành những đơn hàng đã nhận và nắm bắt ngay những cơ hội ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, công ty nỗ lực cơ cấu lại sản xuất, tái đầu tư công nghệ. Ông Lê bày tỏ kỳ vọng, sau khi dịch bệnh được khống chế, tình hình XK của DN giày da sẽ sáng sủa hơn nhờ các hiệp định FTA đã ký kết. Một trong những cơ sở để DN có niềm tin là hiện nay thị trường lớn nhất của hàng giày da Việt là Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch. Những giải pháp của Bộ Công thương thời gian qua cũng bước đầu tháo gỡ khó khăn cho giao thương tại các cửa khẩu với Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để đẩy mạnh XK sang thị trường này cũng như NK nguồn nguyên liệu từ “công xưởng của thế giới”.

Về nội lực, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp để gỡ khó cho nền kinh tế. Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt giải pháp như yêu cầu các phòng quản lý XNK khu vực tạo điều kiện tối đa trong việc cấp C/O cho DN XK; tiếp tục cắt giảm các thủ tục XNK không cần thiết; yêu cầu các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa Việt. Tuy những thông tin này đem lại rất nhiều phấn khởi cho DN song trước mắt, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp cơ cấu lại các khoản vay, không để cho DN bị chuyển sang danh sách nợ xấu, giãn, hoãn thời gian trả nợ… là những biện pháp hết sức có ý nghĩa đối với các DN.

Nắm bắt cơ hội

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng XK đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 thì rất nhiều nhận định cho rằng đây cũng chính là cơ hội để DN tái cơ cấu sản xuất, có bước đi bền vững hơn, nhất là tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA đem lại. Một minh chứng cụ thể là sau Hiệp định CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam đã mang lại cơ hội cho DN XK trong mở rộng thị trường và hưởng ưu đãi thuế quan, đặc biệt đối với các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định Thương mại tự do như Canada, Mexico, Peru…

Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các DN XK. Theo Sở Công thương, EVFTA là cơ hội, công cụ để phát triển bền vững, mở rộng thị phần và tiếp tục có sự gia tăng giá trị XK tại thị trường này. Thị trường EU có vai trò quan trọng, giúp DN giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, tạo sức ép để nâng cấp nền kinh tế từ tiêu chuẩn cao của thị trường. Trong năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 85% số dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này. Con số này tăng lên 99% sau 7 năm thực hiện. 1% còn lại được hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan. Bên cạnh đó, EVFTA được đánh giá mở ra các điều kiện thuận lợi khác giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng tốt chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng cùng tham gia với EU.

Để chuẩn bị bước đi vững chắc vào thị trường này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng EVFTA là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao nên cũng đòi hỏi rất nhiều sự điều tiết của Nhà nước về đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Để đẩy mạnh XK vào thị trường này, DN phải lập kế hoạch để tái cấu trúc, xây dựng lại tệp đối tác, thị trường và mức độ đa dạng để vừa có thể tận dụng, lại vừa giảm bớt khó khăn, tác động bất lợi, cũng như phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, nhận định với các giải pháp hỗ trợ mạnh từ Chính phủ, bộ ngành và sự quyết liệt của địa phương, kỳ vọng việc kim ngạch XK có sự bứt phá mạnh hơn sau dịch bệnh. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện tốt nhất để DN sớm được nhận hỗ trợ, tiếp sức cho DN vào đúng thời điểm khó khăn nhất. Trước mắt, Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.

 TIỂU MY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=567
Quay lên trên