Điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24/1/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đã đến lúc kiểm chứng sức mạnh, trí tuệ và sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế, như thế giới đã từng thực hiện để khuất phục các loại virus như cúm lợn, bại liệt, Ebola và Zika, trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng 31/1 (giờ Việt Nam) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) đối với dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tổ chức này không khuyến cáo hạn chế đi lại hay giao thương với Trung Quốc. Và điều này sẽ củng cố thêm sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống lại kẻ thù của sức khỏe toàn cầu.
Vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về virus corona chủng mới. Nguồn gốc của sự bùng phát dịch bệnh và mức độ lây lan vẫn còn là ẩn số đối với giới khoa học.
Việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, nhưng sự tự tin khi đối mặt với dịch bệnh có ý nghĩa rất quan trọng.
Chừng nào cộng đồng quốc tế còn sát cánh bên nhau, với các biện pháp chữa trị và phòng ngừa một cách khoa học, cùng các chính sách hợp lý, dịch bệnh có thể được kiểm soát và điều trị thành công. Chính niềm tin ấy, WHO không khuyến khích những phản ứng thái quá như hạn chế thương mại và du lịch tới Trung Quốc.
Trên thực tế, trong cuộc chiến gian khổ với dịch viêm phổi do virus corona chủng mới, các biện pháp nhanh chóng, mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc đã chứng minh rằng việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và cách ly kiểm dịch là cách thức hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh đã đặt tầm quan trọng tối đa vào các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, đồng thời tích cực phối hợp với cộng đồng quốc tế trên tinh thần cởi mở, minh bạch và hợp tác khoa học.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã huy động toàn lực quốc gia để ứng phó với dịch bệnh, cũng như các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona, trong đó bao gồm cả việc phong tỏa thành phố 11 triệu dân Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh.
Corona chủng mới có thể lây lan xuyên biên giới, nhưng chính sự hợp tác không biên giới của con người sẽ giúp ngăn chặn bước tiến của virus chết người này.
Sau khi xác định mầm bệnh trong một thời gian ngắn kỷ lục, Trung Quốc đã chia sẻ trình tự lây truyền của virus corona một cách kịp thời với WHO và các quốc gia và khu vực liên quan. Nước này cũng đã mời các chuyên gia của WHO tới Vũ Hán nghiên cứu thực địa.
Tiến độ phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện từng ngày. Các nỗ lực nghiên cứu vắcxin, chẩn đoán và điều trị bệnh được đẩy nhanh.
Các nhà nghiên cứu đã chọn 30 loại thuốc hiện có, các sản phẩm tự nhiên có hoạt tính sinh học và các loại thuốc nam của Trung Quốc có thể có tác dụng chữa bệnh đối với virus để thử nghiệm thêm. Nhiều bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Trung Quốc cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với thế giới.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra "không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Trung Quốc" mà mối quan tâm lớn nhất là "khả năng virus lan sang các nước có hệ thống y tế yếu hơn"./.
Theo TTXVN