Xây dựng con người, văn hóa và xã hội ngang tầm phát triển kinh tế

Cập nhật: 20-04-2022 | 06:07:22

Chiều 19-4, trong khuôn khổ Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” đã diễn ra phiên chuyên đề “Con người - văn hóa và xã hội”. Tham dự điều hành phiên chuyên đề có ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh.

 PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phát biểu tại hội thảo

 Văn hóa, con người trong giai đoạn mới

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành khẳng định Ban Tổ chức hội thảo mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học đóng góp những ý kiến quý báu, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi, đa dạng để gợi mở cho Bình Dương vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng con người, văn hóa, xã hội trong xu thế phát triển mới. Các nội dung thảo luận, trao đổi cần xoay quanh các vấn đề Bình Dương cần phải làm gì, làm thế nào để khơi dậy yếu tố nội sinh - nhân tố con người để các yếu tố đó trở thành động lực, sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà? Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh phải định hướng để theo kịp yêu cầu phát triển hiện nay… Bên cạnh vấn đề phát triển chuyên môn làm thế nào để phát triển toàn diện về thể chất, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân, vai trò của con người đô thị và văn hóa đô thị.

TS Huỳnh Ngọc Đáng với tham luận “Người Bình Dương, từ dân cố cựu đến thị dân hiện đại, chủ thể của văn hóa đô thị tỉnh Bình Dương” cho rằng trong thập niên tới, ở Bình Dương, văn hóa đô thị sẽ tiếp tục phát triển đến những đỉnh cao mới. Thị dân Bình Dương sẽ trưởng thành nhanh hơn và sẽ có những đại diện tiêu biểu trong tầng lớp thị dân Việt Nam… Ở đó, thị dân cần được trân trọng, bồi dưỡng, nâng đỡ phát triển để trở thành những con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học như Nghị quyết 33 NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định… “Chúng ta nên sớm tiếp cận, định hướng, bồi dưỡng để các nhóm cộng đồng người này sẽ luôn đồng hành cùng phát triển với dân tộc và Tổ quốc Việt Nam. Tất cả nội dung chính sách và hành trang văn hóa của tỉnh Bình Dương trong thập kỷ tới nên tập trung vào đây”, TS Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh…

Dưới góc nhìn nhà quản lý giáo dục, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng trong hành trình phát triển, với mục tiêu trở thành thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo giữ vai trò nền tảng và không kém phần quan trọng. Để thực hiện được sứ mệnh của giáo dục khi thế giới số trở thành bối cảnh của toàn cầu, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây khẳng định sức mạnh và sự chi phối hàng loạt những vấn đề của thế giới thì giáo dục không thể đứng ngoài cuộc. Với những thành tựu được kế thừa từ các thế hệ, thời gian tới toàn ngành giáo dục - đào tạo quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, giữ vững thành tích đạt được thời gian qua và ngày một phát triển hơn nữa ở một tầm cao mới.

Để phát triển nguồn nhân lực trong thời đại kinh tế số, Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng giúp Bình Dương bắt kịp và có thể hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới. “Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh nền kinh tế số thì đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phải nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể nhằm phát huy tối đa vai trò của các bên. Trong đó, vai trò then chốt là dẫn dắt của chính quyền về cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường cho sự phát triển công nghệ chuyển đổi số, kinh tế số; tiếp đó là vai trò nhân tố trung tâm của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư, chuyển đổi số và thích ứng với công nghệ số ở mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cuối cùng là bản thân mỗi người lao động cần thường xuyên chủ động, hòa nhập, có năng lực làm chủ các công nghệ số và nhanh chóng thích ứng với sự biến đổi của công nghệ. Phối hợp đồng bộ ba vai trò này sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh để tận dụng được cơ hội, giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số.

TS Nguyễn Thị Nhung, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ khẳng định quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và nguồn lao động nhập cư đã tạo ra những thay đổi quan trọng không thể phủ nhận ở Bình Dương. Mục tiêu của Bình Dương là sẽ đạt được tổng số 35 khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng là 14.000 ha và đẩy tỷ lệ đô thị hóa trên 85%, kéo theo quy mô dân số tăng thêm từ 0,5 - 1 triệu người trên toàn tỉnh so với hiện tại. Với mục tiêu đó, lao động ngoài tỉnh ở Bình Dương đã, đang và sẽ còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

Hoạch định chiến lược phù hợp

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung tham gia sôi nổi làm rõ các vấn đề phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người và xã hội của Bình Dương trong giai đoạn mới. GS-TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bình Dương cần được tiếp cận dưới cái nhìn hệ thống dựa trên nền tảng là năng suất lao động hiện tại và những định hướng hướng đến để thấy được sẽ nâng cao năng suất cao như thế nào. Khi đề xuất vấn đề phát triển nhân lực chất lượng cao cần dựa vào căn cứ nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề đổi mới sáng tạo được đầu tư ra sao? Bình Dương cần phân tích cơ cấu nguồn nhân lực, chính sách đào tạo cho 1,2 triệu lao động ngoài tỉnh và con em của họ. Ngoài ra, Bình Dương cần chú trọng vấn đề quản lý xã hội, quản trị xã hội.

Cũng quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực song PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đề xuất rằng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần nhìn nhận cả vấn đề đầu tư cho con người bằng xương thịt và cả nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, phục vụ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. “Vấn đề thu hút trong giai đoạn mới của Bình Dương cần chú trọng đến nâng cấp, thu hút nguồn lực nội tại, gắn với việc bố trí đúng người đúng việc để người lao động có tay nghề cao có đất thể hiện mình…”.

Về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa, TS Nguyễn Thị Kim Liên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II cho rằng nếu Bình Dương quyết tâm có thể làm giàu từ công nghiệp văn hóa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về dân số đông, trẻ, lợi thế về cảnh quan, làng nghề và nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật. Trên cơ sở này, con người Bình Dương được thụ hưởng và phát triển, nhất là tầng lớp người lao động.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Các nhà khoa học đã dự báo những vấn đề đã, đang và sẽ đặt ra cho Bình Dương để tỉnh chú trọng hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa - xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quản trị xã hội. Ban Tổ chức hội thảo sẽ chắt lọc những ý tưởng, đề xuất và xem đó là giải pháp cơ bản góp phần định hướng cho tỉnh vững bước xây dựng và phát triển trong xu thế mới.

 TS Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Để Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh và nghĩa tình cần chú trọng những giải pháp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang diễn ra trên thực tế? Với xu thế người lao động đang di chuyển khỏi vùng Đông Nam bộ, chính sách giữ chân lao động tại Bình Dương cần được xây dựng phù hợp trong giai đoạn mới.

 TIỂU MY - HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên