Qua hơn 7 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là CVĐ), Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhờ đó CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu, làm chuyển biến tích cực trong nhận thức, ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước của người dân. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh.
Người dân tham quan, mua sắm tại Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tổ chức tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Ảnh: T.PHƯƠNG
- Xin bà cho biết những kết quả tỉnh đã đạt được sau khi thực hiện CVĐ?
- Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã lan tỏa và tác động tích cực đến đời sống xã hội, giúp người dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó làm thay đổi nhận thức, chuyển qua sử dụng hàng sản xuất trong nước ngày càng nhiều hơn. Từ CVĐ, chất lượng, mẫu mã hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được cải tiến, nâng cao; hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán tại siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ truyền thống ngày càng tăng. Điều quan trọng là qua CVĐ, người tiêu dùng trong tỉnh đã xem việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam là thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tăng thu ngân sách quốc gia.
Có thể nói hiệu quả lớn nhất sau hơn 7 năm triển khai thực hiện CVĐ chính là đã giải quyết nhiều việc làm và thu nhập cho người dân trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng. Nói cụ thể hơn, qua CVĐ mức tiêu thụ hàng hóa trong nước tăng lên đáng kể đã thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ đó đã giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động tại các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.
- Trong quá trình thực hiện CVĐ, tỉnh còn gặp khó khăn gì, thưa bà?
- Kết quả đạt được chỉ là bước đầu. CVĐ vẫn còn bộc lộ những hạn chế, cụ thể là sự phối hợp giữa các đoàn thể, giữa các ngành có lúc, có nơi chưa đồng bộ; số lượng doanh nghiệp hưởng ứng các phiên chợ hàng Việt còn ít.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2017 (âm lịch), Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, tại phường An Bình, TX.Dĩ An, phiên chợ được tổ chức từ ngày 10 đến 12-11; tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An từ ngày 14 đến 16-11; tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên từ ngày 18 đến 20-11; tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng từ ngày 2 đến 4-2-2018; tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo từ ngày 6 đến 8-2-2018; tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng từ ngày 10 đến 11-2-2018. |
- Thưa bà, để CVĐ ngày càng lan tỏa, đi vào đời sống của người dân trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì?
- Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động 99 ngày 18-6- 2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện CVĐ giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường trong nước với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động hưởng ứng CVĐ của các cấp, các ngành, tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn tỉnh.
Phấn đấu 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến CVĐ; 9/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể xây dựng kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt Nam”. Hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn; 9/9 huyện, thị, thành phố triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững. Đồng thời, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh, trước hết là hiệu quả của công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép nhằm bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất và người kinh doanh chân chính.
- Bà có thế nói thêm những giải pháp để tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động của người sản xuất và người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam?
- Về phía Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ; triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ/TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ gắn với giai đoạn 2 (2015-2020)…
Đối với các cấp, các ngành, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất và người sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Cùng với đó, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội mua sắm và sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm tài sản công và thiết bị, văn phòng phẩm...
Đối với các doanh nghiệp, cần đổi mới hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...
- Xin cảm ơn bà!
QUỲNH NHIÊN (thực hiện)