Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp

Cập nhật: 01-04-2022 | 08:35:16

Bình Dương xác định xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ theo vị trí việc làm, có uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghịquyết Đại hội Đảng bộtỉnh lần thứXI và xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

Lấy người dân làm trung tâm

Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, xác định rõ mục đích triển khai toàn diện, đồng bộ và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác CCHC theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Tình nguyện viên phường Bình Hòa, TP.Thuận An hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng

Từ kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện CCHC phải dựa trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. CCHC phải xuất phát từ thực tiễn và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. CCHC phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo, đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử với lộ trình phù hợp.

Tập trung 6 nhóm nội dung

Trong kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào 6 nhóm nội dung từ nay đến năm 2025, đó là: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch cũng nêu rõ cần tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự tham gia giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện CCHC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thông qua việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, gắn với cải thiện và nâng cao các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý nhà nước của tỉnh, như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index).

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể là phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025 cải thiện điểm số và nâng cao thứ hạng các chỉ số của tỉnh, gồm: Chỉ số PCI và Chỉ số PAR Index xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số SIPAS đạt tối thiểu 90%; Chỉ số PAPI của tỉnh thuộc nhóm trung bình cao; Chỉ số ICT Index xếp trong 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Để đạt chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để CBCCVC, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội nhận thức đúng, đồng thuận và chấp hành các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ CCHC của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ, công vụ…

Bình Dương phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 phổ biến, liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 100% cơ quan Nhà nước tham gia xử lý các vấn đề người dân phản ánh qua Tổng đài 1022 đúng thời gian quy định.

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ bài viết
Tags
PAPI

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=978
Quay lên trên