Thời gian qua, cùng với việc phát huy lợi thế của thổ nhưỡng, khí hậu, với “trợ lực” từ các ngành, địa phương, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đang dần có bước chuyển mạnh với năng suất cao, giá trị gia tăng lớn, dựa vào kỹ thuật và công nghệ, ít gây ô nhiễm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có sự chuyển hướng từ quy mô sản xuất hộ gia đình sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào trang trại và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để hướng đến nền nông nghiệp quy mô lớn, địa phương cần thu hút được các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập được vào thị trường lớn như Trung Quốc, các nước ASEAN. Thêm vào đó, người sản xuất phải ý thức rõ sản xuất cái thị trường cần với định hướng lâu dài và bền vững.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, cái gốc vẫn là thay đổi về nhận thức của nông dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng được những chuỗi liên kết thật sự bền vững. Mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch và nông dân cần tôn trọng quy hoạch đó vì đã được tính toán trên cơ sở khoa học.
Bắc Tân Uyên cũng cần chú trọng hơn trong việc thắt chặt mối quan hệ “3 nhà”, bao gồm người dân, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết giúp loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa doanh nghiệp và người sản xuất, rút ngắn “độ dài” của kênh tiêu thụ nhờ việc tạo dựng mối liên kết xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị. Việc hợp tác với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn có lợi thế lớn là có công nghệ sau thu hoạch, công nghệ đóng gói sản phẩm và bảo đảm thị trường đầu ra ổn định.
TIỂU MY