Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ với mục tiêu xây dựng, thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần nâng tầm giá trị, danh tiếng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, bảo đảm việc xúc tiến thương mại có hiệu quả. Dự án cũng nhằm hỗ trợ phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cũng như đưa thương hiệu vươn xa trên thị trường.
Sản phẩm của Công ty TNHH Nhật Nam được dán nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương
Góp phần khẳng định thương hiệu
Ngành chế biến gỗ là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, được các doanh nghiệp (DN) quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc sản xuất hiện đại, tạo ra sản phẩm gỗ có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang chú trọng đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả và năng suất lao động.
Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ của Bình Dương vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như nhiều DN chưa phát triển kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, chính vì vậy khả năng đáp ứng với sự thay đổi thị hiếu của thị trường còn chậm và bị động trong việc tiếp cận nhu cầu của thị trường thế giới. Thực tế đó đòi hỏi cần xây dựng một thương hiệu chung cho các DN gỗ Bình Dương để có sự gắn kết chặt chẽ tên gọi, xuất xứ hàng hóa dưới cùng một thương hiệu.
Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn, định hướng phát triển của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm chế biến gỗ của tỉnh Bình Dương. Dự án do Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip (Hà Nội) chủ trì thực hiện. Anh Nguyễn Anh Ngọc, chủ nhiệm dự án, cho biết về hiệu quả kinh tế, các kết quả dự án mang lại góp phần điều chỉnh định hướng phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Khi có NHTT, sản phẩm gỗ của Bình Dương sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Về hiệu quả xã hội, dự án góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới gần hơn với người dân. Đồng thời, dự án cũng góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Các quy trình sử dụng và quản lý NHTT sẽ được phổ biến rộng rãi đến các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến từ gỗ.
Dự án được hội đồng thẩm định đánh giá phù hợp với nhu cầu của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường...
Nâng cao giá trị sản phẩm
Dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT cho sản phẩm chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đã trao quyền sử dụng NHTT cho Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cũng như cấp quyền sử dụng cho 31 thành viên BIFA. Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TP.Bến Cát), thành viên BIFA, chuyên gia công các sản phẩm uốn cong như bàn, ghế, cho biết lượng đơn hàng năm nay của công ty tăng khoảng 30% so với năm 2023. Công ty đã có đơn hàng đến giữa năm 2025. Hiện nay, sản phẩm của công ty có mặt tại thị trường các nước Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ…
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Nhật, ngành gỗ hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ những biến động của tình hình thế giới, khiến đơn hàng xuất khẩu không ổn định, chi phí sản xuất tăng. Trong bối cảnh đó, ông Nhật cho rằng các DN cần khẩn trương xây dựng thương hiệu cho mình hoặc tham gia hiệp hội để được sử dụng NHTT. Khi được cấp quyền sử dụng NHTT sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo bước tiến mới để DN gỗ có thêm niềm tin từ các đối tác, tiến tới ký kết hợp tác lâu dài.
“Tôi tin rằng NHTT gỗ Bình Dương sẽ góp phần nâng cao chất lượng, nâng tầm giá trị và năng lực cạnh tranh sản phẩm cho các DN; đồng thời góp phần đưa thương hiệu gỗ Bình Dương ngày càng vươn xa”, ông Nguyễn Minh Nhật chia sẻ.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ