Bài 2: Bừng sáng những vùng quê
Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Bình Dương dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của từng địa phương trên toàn tỉnh. Chính điều này đã làm kích thích sức sáng tạo của lãnh đạo và người dân trong việc chung tay góp sức xây dựng thành công NTM.
Việc xây dựng NTM ở Bình Dương đã làm thay đổi bộ mặt những vùng quê một cách rõ rệt. Trong ảnh: Một góc xã Tân Hưng, Bàu Bàng hôm nay. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Nông thôn nay đã mới
Ông Nguyễn Văn Tâm, 57 tuổi (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) khoe với chúng tôi, nhà ông vừa lắp xong hệ thống wifi, với chiếc điện thoại mà con trai mua tặng, bây giờ ông có thể thoải mái lướt web và đọc tin tức… Xã Tân Hiệp là một xã thuộc vùng xa của cả tỉnh nhưng sớm hoàn thành các chỉ tiêu NTM, đường sá khang trang, chợ được xây dựng mới, nguồn thu từ mủ cao su có giảm nhưng bù lại gia đình ông Tâm lại có thể buôn bán kinh doanh tại khu vực chợ của xã.
Bên cạnh đó, việc KCN Tân Bình đi vào hoạt động, hai con của ông Tâm có việc làm cách nhà khoảng hơn 15km. Ngoài giờ làm, họ vẫn có thể phụ giúp gia đình chăm sóc cây cao su và vườn cây ăn trái để tăng thêm thu nhập. Kể từ khi NTM thành hình ở Tân Hiệp, kinh tế gia đình ông Tâm khá lên rất nhiều bởi sự lệ thuộc vào cây cao su không còn nhiều như trước nữa. Ông Tâm cho biết ngoài chợ tại xã Tân Hiệp, chợ thị trấn Phước Vĩnh cách đó cũng không xa, nhờ đường giao thông kết nối với trung tâm thị trấn khá tốt nên việc mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm của nhân dân rất thuận lợi.
Cơ sở hạ tầng có được từ xây dựng NTM hầu như đáp ứng hết các nhu cầu cơ bản của người dân ở vùng nông thôn Bình Dương: trường học, trạm y tế, bưu điện, các cửa hàng kinh doanh internet nằm xen lẫn vào các ấp... làm cho vùng quê nghèo bỗng trở thành nhộn nhịp. Chính vì thế ông Tâm thường nói vui, có đổi lấy ngôi nhà đơn sơ mái ngói của ông lấy nhà biệt thự ở phố ông cũng không muốn.
Việc đưa các KCN về các vùng nông thôn phía bắc tỉnh cho thấy tầm nhìn bao quát và chiến lược của chính quyền Bình Dương. Tại các địa phương như Bàu Bàng, Bến Cát, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo… các KCN đã góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục… của khu vực nông thôn. Điều quan trọng nhất chính là việc giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động nông thôn mỗi năm, những nơi mà tác động của đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Nông thôn mới bền vững
Song song với quá trình xây dựng NTM, Bình Dương đã lồng ghép những chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản. Qua đó, tỉnh cũng đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư rót vốn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm trước. Điều này đã thay đổi tích cực cung cách và tư duy sản xuất của người nông dân tại các địa bàn nông thôn. Đây là cái đích mà tỉnh muốn nhắm tới trong quá trình đô thị hóa cũng như xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch UBND xã An Sơn (TX. Thuận An) chia sẻ, An Sơn với đặc thù là vườn cây ăn trái, nơi chiếm phần lớn diện tích trồng măng cụt của Thuận An nên suốt quá trình xây dựng NTM, nhiệm vụ chủ đạo vẫn phải bảo tồn và phát triển vườn cây ăn trái. Từ chủ trương của tỉnh, nhiều mô hình về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành tại địa phương này mang lại hiệu quả rõ rệt và góp phần cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân.
Trong giai đoạn “hậu NTM”, nhiệm vụ của An Sơn là phát triển mạnh du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, khai thác triệt để tiềm năng làm nơi phục vụ kho bãi, xuất nhập hàng hóa của cả tỉnh. Ông Hòa cho biết nếu so với năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của An Sơn chỉ dưới 24 triệu đồng/ người/năm, đến năm 2015 con số đó đã vượt mốc trên 34 triệu đồng… bên cạnh đó là đời sống vật chất tinh thần, vui chơi giải trí của người dân cũng được nâng lên đáng kể.
Tại TX.Tân Uyên, quá trình công nghiệp hóa đã góp sức cho địa phương này hoàn thành chương trình xây dựng NTM tại các xã Thạnh Hội, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh, Hội Nghĩa. Riêng xã Bạch Đằng, địa phương lấy cây có múi làm động lực cho xây dựng NTM mở ra tiềm năng lớn cho loại hình dịch vụ du lịch sinh thái sau này.
Tương tự như thế, xã Long Nguyên (Bàu Bàng) nơi tập trung đàn bò số lượng lớn của cả tỉnh cũng chọn vật nuôi này để nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xây dựng NTM. Không những thế, với quy mô đàn bò lên đến hàng ngàn con, xã Long Nguyên có rất nhiều tiềm năng cung cấp bò thịt và bò sữa cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, cho biết điều đáng hoan nghênh của tất cả các địa phương khi tham gia xây dựng NTM chính là dựa trên nền tảng tiềm năng, địa lý, điều kiện tự nhiên mà lên chương trình hành động. Có thể nói xây dựng NTM tại Bình Dương mỗi nơi mỗi vẻ mang đặc thù riêng của từng xã, từng huyện. Điểm chung là tất cả đều năng động và sáng tạo trong việc tìm hướng đi thích hợp cho mình. Chính nhờ từng bước đi chậm rãi, chắc chắn Bình Dương sẽ sớm gặt hái được những thành công ngoài mong đợi, làm thay đổi diện mạo một vùng nông thôn rộng lớn, góp phần xóa khoảng cách giữa nông thôn với thành thị và giúp đời sống của người dân ngày một khá lên.
PHÙNG HIẾU