Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bông, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) (còn gọi là bệnh tiểu đường) đã và đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Đây là một trong những vấn đề về sức khỏe đáng quan tâm bởi nó gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho người bệnh. Số lượng bệnh nhân ĐTĐ đang tăng lên từng ngày trên toàn cầu, nhất là các nước đang phát triển, nơi mà tốc độ đô thị hóa đang làm thay đổi nhanh chóng lối sống giảm hoạt động thể lực, dư thừa năng lượng. Theo ước tính của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, mỗi năm bệnh ĐTĐ cướp đi sinh mạng của gần 4,6 triệu lượt người và tiêu tốn gần 465 tỷ đô la cho điều trị.
Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), ĐTĐ là một nhóm bệnh chuyển hóa với đặc trưng tăng đường huyết do hậu quả khiếm khuyết tiết insulin hoặc khiếm khuyết tác dụng insulin hoặc cả hai (insulin là một chất tiết ra từ tụy có tác dụng làm hạ đường máu nhằm kiểm soát đường máu trong cơ thể ở nồng độ an toàn có lợi cho sức khỏe con người). Tăng đường huyết mạn tính trong bệnh ĐTĐ phối hợp thương tổn, rối loạn chức năng và suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Do đó, bệnh ĐTĐ cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Khi có các triệu chứng sau đây cần đi khám và xét nghiệm máu để phát hiện bệnh ĐTĐ, như: ăn nhiều mà vẫn gầy; uống nhiều nhưng vẫn thấy khát nước; tiểu nhiều lần và nước tiểu nhiều - đây là biểu hiện hay gặp nhất, tiểu càng nhiều uống càng nhiều; bệnh nhân sụt cân không rõ nguyên nhân. Theo bác sĩ Bông, xét nghiệm máu là cách để chẩn đoán chính xác là một người có bị ĐTĐ hay không. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị khi bệnh nhân được dùng thuốc.
CẨM LÝ (thực hiện)