Kỳ 1: Ngành nghề chủ lực vượt khó
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng với việc tiếp tục triển khai quyết liệt, kịp thời nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cũng như sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao.
Sản xuất tại Công ty TNHH Dafi, TX.Tân Uyên
Tăng trưởng cao
6 tháng đầu năm 2021, kinh tế - xã hội tỉnh phát triển ổn định, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại từng bước tăng trưởng trở lại, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động xuất, nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, xuất siêu hơn 3,75 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,43 tỷ đô la Mỹ, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 2,38 tỷ đô la Mỹ. Trị giá xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 17 tỷ đô la Mỹ, tăng 47,2% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo sâu sát đối với các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.
Cơ hội thị trường rộng mở
6 tháng, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 như sản phẩm gỗ, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng. Bên cạnh đó, những nhóm hàng khác như máy tính, điện tử, linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm từ chất dẻo... cũng tăng trưởng khá. Trong dịch bệnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các DN phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng, địa phương để thực hiện tốt công tác phòng, chống để DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt với các ngành chủ lực của tỉnh, cơ hội thị trường tiếp tục rộng mở. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ ước đạt hơn 3,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 61,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Đặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, ngành gỗ Bình Dương kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại các nước trong khối EU. Đến nay, thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành gỗ là Mỹ chiếm 65,03%, tăng 81,4% so với cùng kỳ; Hồng Kông 8,5%, tăng 47,5%; Đài Loan 5,6%, tăng 43,1%; EU chiếm 4,9%, tăng 53,495%; Nhật Bản 3,5%, tăng 46,8%; Singapore 2,3%, tăng 35,8%... Đặc biệt, thị trường Mỹ được đánh giá đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN ngành gỗ bứt phá.
Ngành dệt may, da giày trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ khi một số thị trường xuất khẩu chính dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của ngành dệt may ước đạt 1,39 tỷ đô la Mỹ, tăng 27,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc chiếm 36,5%, tăng 41,95% so với cùng kỳ, Mỹ 25,02%, tăng 37,72%, EU 9,07%, tăng 9,35%, Nhật Bản 5,43%, tăng 9,04%… Cùng với đó, ngành giày dép cũng có mức tăng mạnh, ước đạt hơn 1 tỷ đô la Mỹ, tăng 30,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu tăng mạnh, có thị trường tăng đến 50%. Cụ thể, trong 6 tháng thị trường EU chiếm 22,6%, tăng 41,8% so với cùng kỳ, Mỹ 22,6%, tăng 44,6%... (Còn tiếp)
Theo nhận định của các hiệp hội dệt may, làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến đã tạo ra nhiều thách thức cho các DN, tuy nhiên đà hồi phục của ngành dệt may sẽ không vì thế mà chững lại. Trước tình hình dịch bệnh, các DN vẫn cố gắng duy trì bảo đảm sản xuất bằng các biện pháp thay đổi cách thức làm việc linh hoạt, thích nghi với các điều kiện, vừa bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì tình hình sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo Sở Công thương, các hiệp hội ngành hàng cũng đã kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cho các DN tiếp cận với nguồn vắc xin để tiêm cho người lao động. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động bình thường để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác thời gian tới. |
TIỂU MY