Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 12/3

Cập nhật: 13-03-2020 | 06:22:37

Trung Quốc tự tin đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong khẳng định, nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm leo thang của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo báo cáo mới nhất của NHC, trong ngày 11/3 Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 11 ca tử vong, gồm 10 ca tại tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc và 1 ca tại tỉnh Thiểm Tây. Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận thêm 15 ca mới mắc bệnh, tiếp tục xu hướng giảm mạnh so với trước đó.

Cũng theo NHC, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 1.318 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện trong ngày 11/3, nâng tổng số ca xuất viện lên thành 62.793 người.

Chuyên gia dịch tế hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn dự báo đại dịch COVID-19 toàn cầu có khả năng sẽ kết thúc trước tháng 6, nếu các nước chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh thực hiện đầy đủ những biện pháp kiểm soát cần thiết.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch có thể kiểm soát được nếu các quốc gia tăng cường những biện pháp ứng phó.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 12/3, ông Ghebreyesus nhấn mạnh quyết định việc coi COVID-19 là đại dịch không có nghĩa các quốc gia phải buông xuôi, từ bỏ cuộc chiến nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. WHO khẳng định đây là một đại dịch có thể kiểm soát được và kêu gọi mọi quốc gia cần nỗ lực hơn nữa.

Mặc dù vậy, trên thực tế, số ca nhiễm và tử vong vẫn không ngừng tăng nhanh trên toàn cầu. Đến tối 12/3, tổng số trường hợp mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới 129.641 ca và 4.749 ca tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngày 12/3, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng thêm 114 ca lên 7.869 ca; số ca tử vong tăng lên 66 ca, trong khi số ca hồi phục là 333.

Đa số các ca mắc COVID-19 mới nằm tại các thành phố Daegu, Cheongdo và Gyeongsan. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm tại thủ đô Seoul gia tăng tới mức báo động khi có tới ít nhất 100 ca nhiễm liên quan đến một tổng đài điện thoại ở Tây Nam thành phố.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tổng cộng đã có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly đối với du khách từ Hàn Quốc nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Cùng ngày, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nước này.

Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành ở Nhật Bản có thể chỉ thị cho người dân địa phương phải ở trong nhà, yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng có thể yêu cầu các nhà sản xuất nhu yếu phẩm thiết yếu như dược phẩm và lương thực tập trung bán hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, chính quyền có thể tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị cho các bệnh nhân.

Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua trong phiên họp toàn thể vào ngày 13/3. Tính đến chiều 12/3, Nhật Bản đã có 23 ca tử vong vì dịch COVID-19 và 1.337 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 696 người trên du thuyền Diamond Princess.

Điều đáng lo ngại là dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan ở nhiều nhà dưỡng lão ở Nhật Bản, khiến một số cơ sở phải ngừng hoạt động. Tính tới nay, Nhật Bản đã phát hiện các ổ dịch COVID-19 tại các nhà dưỡng lão ở 3 tỉnh Aichi, Hyogo và Chiba, trong đó chỉ riêng tại một nhà dưỡng lão ở thành phố Nagoya (thủ phủ của tỉnh Aichi) đã phát hiện hơn 40 người nhiễm bệnh kể từ đầu tháng 3 tới nay.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, đồng thời tiến hành những biện pháp cách ly cộng đồng mà ông gọi là "phong tỏa thủ đô" để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tổng thống Duterte cũng cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học 1 tháng và cách ly các cộng đồng phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng như ngừng hoạt động vào ra thủ đô Manila.

Động thái trên diễn ra sau khi Bộ Y tế nước này thông báo ca tử vong thứ 2 do COVID-19 và thêm 16 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 49 người.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đã kêu gọi hoãn mọi sự kiện tập trung đông người sau khi ghi nhận ít nhất 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến một sự kiện tôn giáo đã diễn ra 3 ngày tại thủ đô Kuala Lumpur có sự tham gia của khoảng 10.000 người, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã thông báo về 149 ca nhiễm SARS-CoV-2 và đang theo dõi 5.000 công dân tham dự sự kiện tôn giáo trên.

Nước láng giềng Singapore hiện cũng đang điều tra và xác định các công dân có tham gia sự kiện này. Bộ Y tế Singapore cho biết tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên tới 178 trường hợp, trong đó có 81 ca vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Tại Indonesia, Thị trưởng thành phố Jakarta Anies Baswedan cho biết chính quyền thủ đô đã chuẩn bị kịch bản "tồi tệ nhất" với 6.000 trường hợp mắc COVID-19.

Ông Anies cho biết Indonesia sẽ áp dụng mô hình phòng chống dịch bệnh lây lan được các nước như Singapore, Việt Nam và New Zealand áp dụng, đó là triển khai biện pháp phòng ngừa, cách ly các trường hợp nghi mắc COVID-19 ngay từ đầu để có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Thị trưởng Jakarta cũng tuyên bố ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhanh chóng để bảo vệ công chúng, dù có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 34 người, trong đó có 1 ca tử vong.

Trong ngày 12/3, Bộ Y tế Iran thông báo ghi nhận thêm 75 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 429.

Cùng với số tử vong trên, trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Iran ghi nhận thêm 1.075 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên tới 10.075 trường hợp.

Hiện Iran đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để chống chọi với dịch COVID-19. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết ngân hàng trung ương nước này đã kiến nghị được tiếp cận công cụ tài chính của IMF, đồng thời hối thúc ban lãnh đạo của thể chế tài chính này có hồi đáp "một cách trách nhiệm" đối với đề nghị của Tehran.

Dịch  COVID-19 cũng đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại châu Âu và Mỹ với số ca nhiễm mới và tử vong tăng vọt tại nhiều nước. Áo và Ba Lan cũng đã ghi nhận các ca tử vong đầu tiên.

Số trường hợp nhiễm mới tại Italy tăng thêm hơn 2.300 ca, trong đó có thêm 196 trường hợptử vong. trong số 196 ca tử vong mới, độ tuổi 50-60 chiếm 2%, các trường hợp còn lại thuộc nhóm tuổi cao hơn và hơn 78% trường hợp tử vong đều có tiền sử bệnh lý

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo sẽ phân bổ thêm 25 tỷ euro (tương đương 28,3 tỷ USD) nhằm chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại Tây Ban Nha, số ca tử vong do COVID-19 đã lên đến 84 người, tăng mạnh so với 47 ca tử vong được ghi nhận một ngày trước đó. Số ca mắc bệnh cũng tăng mạnh lên 2.968 người so với 2.140 ca hôm 11/3.

Pháp cũng ghi nhận gần 500 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong số này có 105 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. Số ca tử vong cũng đã tăng lên 48 người so với 33 ca đưpưck ghi nhận tối hôm trước. Hiện Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch COVID-19 vì chưa lây lan ra cả cả nước.

Tại quốc gia láng giềng Bỉ, số ca ca mắc COVID-19 đã lên tới 399 và đã có 3 người tử vong. Đến nay, Bỉ đã xét nghiệm được 4.000 mẫu bệnh phẩm trên toàn lãnh thổ. Chính phủ Bỉ dự báo số người mắc COVID-19 tại nước này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện tại, các bệnh viện của Bỉ đang tiếp nhận ngày càng nhiều ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới, báo hiệu có thể đang ở thời điểm đầu dịch.

Tại Thụy Điển, thông báo mới nhất từ chính phủ nước này cho biết số ca mắc COVID-19 đã lên tới 635 người, tăng 135 người chỉ trong một ngày. Chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm toàn bộ các hoạt động có từ 500 người tham gia trở lên, đồng thời "bơm" thêm 1 tỷ krona (khoảng 100 triệu USD) vào hệ thống chăm sóc sức khỏe để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nguy hiểm tại châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động đi lại tới các nước châu Âu (ngoại trừ Anh) trong vòng 30 ngày.

Quyết định này vấp phải sự phản đối từ phía Liên minh châu Âu (EU). Ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ, cho rằng hành động này được tiến hành một cách đơn phương và không qua tham vấn với EU.

Bản thân Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh với 291 trường hợp, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lên 987 người tại gần 40 bang, trong đó có 29 người đã tử vong. Trước đó, Giám đốc Viện Dịch bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng của Mỹ Anthony Fauci cho biết dịch COVID-19 có thể nguy hiểm gấp 10 lần so với bệnh cúm mùa.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhận định sẽ có thêm hàng nghìn ca nhiễm mới tại Mỹ trong thời gian tới, đồng thời khẳng định dịch bệnh này gây nhiều ca tử vong hơn dịch cúm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết
Tags
COVID-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2220
Quay lên trên