Đến thời điểm này, Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Covid-19. Trong giai đoạn tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi người, mỗi gia đình cần nhận biết các cấp độ phân loại cách ly và hình thức cách ly theo đúng quy định, nhằm khoanh vùng dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế thăm hỏi, động viên trường hợp đang cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng
- Xin bác sĩ cho biết khái niệm “F” trong điều tra dịch tễ học được hiểu như thế nào?
- F là viết tắt của từ Filia (tiếng Ba Lan) có nghĩa là thế hệ con, nhánh sau. Áp dụng với dịch bệnh Covid-19, F được hiểu là thế hệ đầu dương tính với Covid-19 hay còn gọi là F0. F0 tức là người dương tính với Covid-19. Những người này được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cách ly tại bệnh viện, tự phục vụ để hạn chế lây nhiễm chéo và tự báo cho người tiếp xúc gần về tình trạng của mình.
F1 là những người nghi ngờ nhiễm hoặc tiếp xúc với F0. Những người này có trách nhiệm khai báo cho cơ sở y tế gần nhất và đi cách ly tại bệnh viện, đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2m và tự báo cho người F2. F2 là người tiếp xúc với F1. Những người này cần đeo ngay khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2m với người xung quanh và báo cho cơ sở y tế gần nhất rồi làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định và tự báo cho người F3. F3 là người tiếp xúc với F2. Những người này cần đeo ngay khẩu trang và báo cho cơ sở y tế gần nhất rồi làm theo hướng dẫn cách ly tại nhà hoặc nơi quy định, tự báo cho người F4. F4 là người tiếp xúc với F3. F5 là người tiếp xúc với F4. Cả 2 trường hợp này đều cần tự cách ly tại nhà và báo cho cơ sở y tế gần nhất. Sốt là dấu hiệu ban đầu khi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Khi không biết mình là F gì thì hãy cách ly khi ho, sốt.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc phân loại, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm có ý nghĩa quan trọng để khoanh vùng dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
- Các cấp độ F (F0, F1, F2, F3…) có mối liên hệ với nhau như thế nào, thưa bác sĩ?
- Tình trạng các F có thể thay đổi tùy vào kết quả xét nghiệm của các F có mối tương quan nêu trên nên luôn cập nhật tình trạng của các F khác để thay đổi hướng xử lý; dù kết quả xét nghiệm là âm tính thì vẫn tiếp tục cách ly theo hướng dẫn, đủ 14 ngày.
Điều dễ nhận thấy là các F sau đó hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo lịch trình của các F trước mình. Do đó, việc chủ động thông tin, làm chủ thông tin của người nhiễm Covid-19 (F0) là điều tiên quyết giúp công tác phòng dịch tốt nhất. Với các trường hợp F tiếp theo, cũng cần nắm rõ lịch trình của mình để biết mình đã tiếp xúc với các F trước trong trường hợp nào để báo cáo y tế xác định diện cách ly. Vì vậy việc làm chủ thông tin là điều hết sức quan trọng để các F biết, nếu trong diện cách ly, mỗi người sẽ phải làm gì và những người xung quanh nên làm gì để tự bảo vệ mình, người thân và cộng đồng xã hội.
- Thưa bác sĩ, để bảo đảm an toàn khi cách ly tại nơi cư trú (xí nghiệp, công ty, tại nhà), người được cách ly phải tuân thủ quy tắc nào?
- Biện pháp cách ly tại nơi lưu trú được áp dụng với những người từ nhóm F2 (tiếp xúc F1) và F3 (tiếp xúc F2). Những trường hợp này cần phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Theo Quyết định số 345 của Bộ Y tế hướng dẫn thì việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Quá trình tổ chức được thực hiện nghiêm ngặt, trong đó đề cao vai trò của các bên liên quan. Thực tế, trong thời gian qua, công tác tự cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được cả hệ thống chính trị tỉnh quan tâm, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành đến từng địa phương, khu, ấp, gia đình và bản thân người tự cách ly. Tuy nhiên, trong trường hợp đối tượng cách ly không thực hiện thì áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.
Để bảo đảm nguyên tắc cách ly tại nơi lưu trú, người được cách ly nên ở một phòng riêng. Trong trường hợp nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, được vệ sinh thường xuyên, hạn chế tối đa các đồ đạc, vật dụng trong phòng. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú; tự mình theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Người cách ly tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần sáng - chiều, ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. Người bị cách ly thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Người bị cách ly phải thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.
Đối với thành viên hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly tại nhà được khuyến cáo: Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi cần tiếp xúc. Hàng ngày, lau dọn sàn nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng, tẩy rửa. Giúp đỡ, động viên tinh thần người được cách ly. Thông báo cho cán bộ y tế khi người cách ly có triệu chứng mắc bệnh. Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dụng cụ sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly nếu có yêu cầu. Không tổ chức hoạt động tụ tập đông người tại nhà.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
KIM HÀ (thực hiện)