Trong khi hai mặt trận chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan vẫn còn dang dở thì Washington lại âm thầm mở mặt trận thứ ba chống Al-Qaeda ở Yemen. Cũng giống như hai mặt trận kia, mặt trận Yemen không hứa hẹn một chiến thắng dễ dàng cho Tổng thống Obama.
Ngày 3-1, John Brennan, cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Obama, tuyên bố trên đài truyền hình Fox rằng Mỹ sẽ “làm cỏ” Al-Qaeda ở Yemen nhưng không có ý định mở “mặt trận thứ ba” trong cuộc chiến chống khủng bố haytriển khai quân đội Mỹ ở Yemen, “ít nhấttrong lúc này”.
Ngày 8-1, Tổng thống Obama cũng khẳng định điều này trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí People. Triển khai quân thì chưa nhưng mở mặt trận chống khủng bố mớithì Mỹ đã âm thầm làm từ lâu, theo The New York Times (NYT), một trong những tờ nhật báo có uy tín và thạo tin hàng đầu ở Mỹ.
Tờ NYT số ra ngày 28-12-2009, dẫn các nguồn tin tình báo và quân sự Mỹ,cho biếtcách đây một năm, CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) đã cử nhiều đặc vụ dày dạn kinh nghiệm chống khủng bố đến Yemen. Lầu Năm Góc (tức Bộ Quốc phòng Mỹ) cũng dùng lực lượng đặc nhiệm Mỹ để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội, Bộ Nội vụ và lực lượng tuần duyên Yemen để chống lại Al-Qaeda.
Theo tuần báo Đức Der Spiegel, do lo sợ Yemen – nước Ả Rập nghèo nhất ở vùng Vịnh -trở thành một hậu cứ mới của Al-Qaeda, ngoài viện trợ kinh tế, Mỹ đã đầu tư tiền rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quân sự của Yemen. Năm 2006, Mỹ viện trợ quân sự 11 triệu USD. Năm 2009, số tiền này đã vọt lên 70 triệu USD.
Nhiều quan chức cấp cao Mỹliên tục viếng thăm Yemen. Tháng 5 năm ngoái, Phó Giám đốc CIA Stephen Kappes gặp Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Một tháng sau đến lượt David Patreus, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ phụ trách Trung Đông, chính thức gặp Tổng thống Saleh để thông báo rằng Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự trong năm tài chính 2010,cụ thể là 150 triệu USD. Tháng 9, John Brennan cũng bất ngờ ghé thăm Yemen.
Về mặt quân sự, “quan hệ đối tác mạnh mẽ” giữa Mỹ và Yemen đã được nâng cấp trước ngày Umar Farouk Abdulmutallab (cựu sinh viên Nigeria, 23 tuổi, từng ở Yemen từ tháng 8 đến ngày 4-12 để học tiếng Ả Rập, được Al-Qaeda huấn luyện và cung cấp thuốc nổ lỏng) âm mưu làm nổ tung chuyến bay 253 của hãng máy bay Mỹ Northwest Airlines hôm 25-12-2009.
Ngày 17-12-2009, đài truyền hình Mỹ ABCđưa tin Mỹ và Yemen đã hợp lực trong một chiến dịch tấn công trên bộ và trên không nhắm vào một căn cứ của Al-Qaeda gần thủ đô Sanaa và trong ba tỉnh Shabwah, al-Jawf và Abyan. Ngày 24-12-2009, họ lại không kích một cao ốc ở Shabwah khi có tin tình báo mách bảo có một cuộc họp bí mật của các thủ lĩnh Al-Qaeda.
Các quan chức Yemen nói có 34 tên tình nghilà Al-Qaeda đã bị loại. Người Yemen nhấn mạnh rằng đây là chiến dịch hoàn toàn do người Yemen thực hiện với sự hỗ trợ về thông tin tình báo của Mỹ. Nhưng theo đài truyền hình Mỹ ABC, chiến đấu cơ Mỹ đã tham gia chiến dịch và bắn hai quả tên lửa.
Về kết quả chiến dịch, Tổng thống Saleh quả quyết rằng “nhiều trại huấn luyện đã bị đánh trúng, nhiều thủ lĩnh Al-Qaeda bị loại ra khỏi vòng chiến, nhiều âm mưu khủng bố bị ngăn chặn, sinh mạng nhiều người Mỹ được bảo toàn”. Số liệu của Bộ Nội vụ Yemen cho biết có khoảng 60 tên Al-Qaeda đã bị tiêu diệt, hai thủ lĩnh Al-Qaeda bị bắt trong các chiến dịch vừa nêu.
Ngày 4-1, Yemen tiếp tục truy nãmột số thành viênAl-Qaeda ở Arhab, cách thủ đô 40 km về hướng Bắc, diệt được hai tên tình nghi đe dọa đánh bom các đại sứ quán phương Tây ở Sanaa, làm bị thương hai tên. Ngày hôm sau, lại bắt được ba tên tình nghi là thành viên Al-Qaeda bị thương khác, trong đó có Mohammad al-Hamak, được coi là một thủ lĩnh Al-Qaeda tại địa phương. Ngày 8-1, Bộ Nội vụ Yementuyên bố đã bắt được thêm ba kẻ tình nghi là Al-Qaeda tại tỉnh Marib, trong đó có hai thủ lĩnh địa phương.
Nhận viện trợ, không nhận lính Mỹ
Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Al-Qaeda dùng Yemen làm hậu cứ mới đang gặp những trở ngại mà đáng chú ý nhất là giới trí thức, chủ doanh nghiệp và chính khách Yemen chống lại quyết liệt sự can thiệp của Mỹ vào nội bộ Yemen. Đó là chưa kểnội bộ chính quyền Yemen còn “phức tạp hơn Iraq, Afghanistan và Pakistan”, theo tờ The Washington Post.
Ngay chính quyền Yemen, mặc dù được Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ về kinh tế và quân sự, cũng muốn hạn chế bớt ảnh hưởng của Mỹ. Rashed al-Aleemi, phó thủ tướng phụ trách quốc phòng và an ninh, từng tuyên bố với báo chí: “Sự can thiệp trực tiếp của Mỹ có thể làm mạng lưới của Al-Qaeda mạnh hơn chứ không làm cho nó yếu đi”.
Ông nhấn mạnh: “Quan điểm chính trị của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ đập tan Al-Qaeda bằng phương tiện của chúng tôi. Cái chúng tôi cần ở người Mỹ là hỗ trợ huấn luyện quân sự và vũ khí cho các đơn vị chống khủng bố của chúng tôi”. Abu Kakr Al-Kurbi, Ngoại trưởng Yemen, tuyên bố nước ông từ chối quân đội nước ngoài tham gia chống Al-Qaeda.
Tờ Globe and Mail, dẫn lời một quan chức an ninh Yemen giấu tên, cho biết ông không hài lòng vềbài phát biểu của ông Obama ngày 5-1 cho rằng Yemen giống như Afghanistan và Somalia. “Đúng là Yemen có Al-Qaeda nhưng chúng tôi biết rõ từng tên một và chúng tôi biết phải làm gì để xử lý chúng. Chúng tôi có luật pháp, có trật tự vì vậy không thể so sánh với Afghanistan hay Somalia”.
Một giám đốc điều hành công ty còn nhận xét rằng việc mấy tòa đại sứ Mỹ, Anh và Pháp đóng cửa ba ngày vì sợ Al-Qaeda tấn công không giúp ích gì cho cuộc chiến chống Al-Qaeda “bởi làm như thế là trao chiến thắng cho Al-Qaeda, giúp chúng tuyển mộ thêm được nhiều người”.
(Theo NLĐ)