Chiều trên đất xứ Thanh, cơn mưa trái mùa đổ xuống làm vơi đi cái nắng chói chang của mùa hè oi ả. Chúng tôi được đồng nghiệp báo Thanh Hóa đưa về thăm quê hương anh hùng, liệt sĩ Vũ Phi Trừ, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, cách TP.Thanh Hóa gần 30km…
Kỳ 33: Quê anh vùng chiêm trũng
Anh Vũ Xuân Thế (thứ 2 từ trái sang) tự hào kể chuyện anh mình
Xã Quảng Khê có lẽ là một trong những miền quê thuộc diện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Giao thông cách trở; những cánh đồng chiêm trũng ngập nước quanh năm nên việc canh tác nông nghiệp nơi đây rất khó khăn. Những năm gần đây, người dân bỏ cây lúa chuyển sang trồng cói-loại cây dùng để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng dù đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng như vậy cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên đường vào nhà anh Trừ, chúng tôi nhìn thấy những cánh đồng cói ngập trong nước mặn, phèn chua. Cái nghèo có vẻ như vẫn còn đeo bám người dân nơi đây. Vùng đất tuy khó khăn là vậy, nhưng Quảng Khê lại là một xã có truyền thống cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất Quảng Khê đã có nhiều người con lên đường đánh giặc, ra đi lập nên những chiến tích làm rạng rỡ quê hương. Nổi bật nhất là tấm gương của anh hùng, liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Tên anh hôm nay đã trở thành niềm tự hào của người dân, đặc biệt là tuổi trẻ xã Quảng Khê.
Căn nhà tình nghĩa được xây dựng cho gia đình liệt sĩ Vũ Phi Trừ
Ngôi nhà của anh Trừ nằm khiêm nhường ở thôn 4. Do được báo trước nên các lãnh đạo xã và người thân của anh đã tề tựu đông đủ cùng trò chuyện với chúng tôi. Anh Vũ Xuân Thế, em trai của anh Trừ cho biết: “Lúc anh tôi hy sinh, con đầu của anh mới 5 tuổi và đứa thứ hai vừa tròn 1 tuổi. Chị dâu tôi ở vậy nuôi con, thờ chồng mặc dù lúc đó chị mới 26 tuổi. Hiện nay, hai con của anh Trừ đều trưởng thành và công tác trong lực lượng hải quân nên chị dâu tôi theo con vào TP.HCM sinh sống. Ngôi nhà này trở thành nơi thờ tự anh Trừ và dòng họ. Ngày thường thì vắng vẻ, chỉ có khi các đoàn công tác hoặc báo chí về thăm thì gia đình mới mở cửa tiếp đón…”.
Trên bàn thờ, nhiều huân, huy chương, bằng liệt sĩ, danh hiệu anh hùng LLVTND của anh Trừ được lưu giữ trang trọng. Bên cạnh là một bài thơ của đồng đội viết tặng anh trong lần về thăm quê anh: “Việt Nam hình chữ S dài/ Hai đầu đất nước, biển hải, hiền hòa/ Đảo chìm, đảo nổi, đảo xa/ Vọng về sóng nước thiết tha ân tình/ Yêu thương biển đảo, quên mình/… Bao thế hệ chiến tích còn/ Đánh giặc Ma-rốc tiếng giòn sử ghi/ Anh hùng tô thắm quốc kỳ/ Vũ Phi Trừ đã không còn/ Trường Sa ghi nhớ căm hờn…”.
Ngày 11-3-1988, đại úy, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tàu HQ 604 hành quân chở bộ đội, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng ra chốt giữ đảo Gạc Ma của Việt Nam. Trên hành trình từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, quân Trung Quốc đã cho tàu chiến khiêu khích, lao tàu đến cắt ngang hướng đi của tàu Việt Nam. Đại úy Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh xử lý mọi tình huống rất khôn khéo cùng với đồng đội quyết tâm đưa tàu đến đích và cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma ngày 13-3. Rạng sáng ngày 14-3, Trung Quốc tiếp tục cho tàu chiến bao vây, uy hiếp chiến sĩ ta. Trước hành động ngang ngược của hải quân Trung Quốc, đại úy Vũ Phi Trừ không hề nao núng, anh khẳng khái tuyên bố với đối phương: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ của Việt Nam!”. Bất ngờ, quân Trung Quốc nổ súng, bộ đội ta buộc phải chiến đấu trong điều kiện không cân sức, không có vũ khí, tàu HQ 604 bị bắn chìm. Đại úy Trừ bị thương rất nặng và anh dũng hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi. Tháng 12-1989, liệt sĩ Vũ Phi Trừ được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nén nỗi đau thương, mất mát khi nhắc về người anh trai, anh Vũ Xuân Thế kể rằng: “Lúc nghe đài thông báo trên loa phát thanh “Đồng chí Vũ Phi Trừ đã anh dũng hy sinh”, cả nhà tôi bàng hoàng và không thể tin nổi dù đó là sự thật. Mẹ tôi nằm liệt giường mấy ngày không dậy nổi. Trước đó, khi về quê ăn tết, anh tôi nói rằng, năm nay được nghỉ phép dài ngày, anh dự định sẽ đứng ra làm đám giỗ cho ông bà… Thế rồi, ngày đám giỗ sắp đến thì anh nhận lệnh thần tốc vào đơn vị. Ai ngờ đó là lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau…”. Anh Thế xúc động kể cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm của hai anh em khiến mọi người đều rơi nước mắt. “Hồi anh tôi về phép lần trước có tặng tôi một cái thắt lưng và một chiếc quần hải quân rất đẹp. Tôi giữ mãi không dám mặc, chỉ khi có việc hệ trọng mới mặc vào. Lúc anh nhận lệnh khẩn cấp vào đơn vị, anh hỏi tôi rằng: Thế đưa anh mượn lại cái quần và thắt lưng vì quần anh chật quá, lần sau anh sẽ tặng em những cái khác đẹp hơn…”. Kể đến đây, những giọt nước mắt anh Thế chảy dài. Anh nói trong nghẹn ngào: “Anh Trừ ơi, em chờ anh mãi. Chờ anh mang quà về tặng em mà không thấy anh trở về…”…
Thay lời tạm biệt, anh Thế đã đọc cho chúng tôi nghe những vần thơ của một người thím viết tặng cho người thuyền trưởng dũng cảm Vũ Phi Trừ: “Về thăm quê anh hùng Vũ Phi Trừ/ Đánh giặc nơi biển đảo Trường Sa/ Cháu Trừ ơi, cháu đã hy sinh rồi trong trận chiến/ Giữa biển đại dương, giữa bầu trời lồng lộng/ Mang hạnh phúc cho Tổ quốc mình, cuộc sống bình yên/ Có Việt Nam đã lừng danh khắp thế giới địa cầu/ Khắc tên anh hùng Phi Trừ trong bảng vàng lịch sử”…
Chiều Quảng Khê, cơn mưa dần nặng hạt. Tạm biệt quê anh-vùng đất chiêm trũng, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình với một cảm xúc tự hào, bởi đất nước này sẽ không khuất phục các thế lực thù địch vì đã có những con người như anh...
Kỳ 34: Có một đội quân tóc dài ven biển
KIẾN GIANG - KHÁNH VINH