Bảo đảm nhân lực cho ngành Y tế: Cần có nhiều giải pháp đồng bộ

Cập nhật: 22-10-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Giải pháp bảo đảm nhân lực cho ngành y tế

> Kỳ 1: Nhân lực y tế - vấn đề luôn được quan tâm

Với tốc độ phát triển về kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như tình hình dân cư tăng nhanh, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh nhà sẽ thiếu lực lượng cán bộ nhất định, không chỉ ở trong công lập mà cả ngoài công lập, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS) và cán bộ kỹ thuật cao. Do đó, vấn đề bảo đảm nhân lực cho ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn, cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ...

Chú trọng đào tạo

Theo Giám đốc Sở Y tế Lục Duy Lạc, để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành trong thời gian tới, giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là đào tạo. Để thực hiện tốt công tác đào tạo, ngành đã và đang tăng cường công tác hướng nghiệp nhằm khuyến khích học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông thi vào các trường đại học đào tạo BS, DS, cử nhân (CN) y tế cộng đồng, BS răng hàm mặt, CN điều dưỡng, CN hộ sinh; tạo điều kiện thuận lợi để những y sĩ, DS, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học được học liên thông đại học và trở về địa phương phục vụ. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ cử các BS, DS tham gia các lớp đào tạo sau đại học nhằm cải thiện chất lượng chuyên môn… Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ mở 3 lớp chuyên khoa sau đại học cho lãnh đạo các đơn vị, các khoa phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện. Ngoài ra, ngành cũng sẽ triển khai chương trình 20 của Tỉnh ủy đến các đơn vị trực thuộc, tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện theo học chương trình nước ngoài. Phấn đấu đến 2015, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh đào tạo 10 chỉ tiêu BS chuyên về lĩnh vực điều trị tại nước ngoài, phục vụ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, các tổ chức nước ngoài cử đào tạo các BS, DS, CN đi học theo các chương trình học bổng và hình thức tham quan học tập. Tận dụng tốt các đợt chuyển giao kỹ thuật của các đoàn chuyên gia nước ngoài đến thăm và làm việc tại Bình Dương như là hình thức du học tại chỗ.

Phải có nhiều giải pháp mới bảo đảm nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Trong ảnh: Khoa khám bệnh Bệnh viện 4 - Quân đoàn 4 luôn đông kín người bệnh

Cùng với những việc làm trên, công tác đào tạo tại chỗ cũng được chú trọng. Để có nguồn nhân lực, ngành sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường Cao đẳng Y tế và các trường khác đào tạo y dược trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo nâng dần chất lượng đội ngũ cán bộ trung học, cao đẳng y tế. Tại một cuộc họp liên quan đến ngành y tế gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nhân lực cho ngành y tế trong thời gian tới. Phó Chủ tịch cho rằng, cần có một trường đại học đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại địa phương. Trong thời gian tới, sau khi chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và cán bộ giảng dạy tỉnh sẽ nâng cấp trường Cao đẳng Y tế Bình Dương lên thành trường Đại học Kỹ thuật Y tế. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi để trường Đại học Y dược TP.HCM sớm triển khai xây dựng cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm thu hút, tuyển dụng

Việc thu hút, tuyển dụng nhân lực y tế trong thời gian qua dù được quan tâm nhưng kết quả cũng chưa thực sự được như mong đợi. Theo ông Lục Duy Lạc, thu hút, tuyển dụng là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm nhân lực cho ngành y tế. Vì thế, để công tác này đạt được kết quả cao hơn, ngành y tế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của tỉnh về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao chất lượng, số lượng thu hút nguồn nhân lực. Trong thu hút, tuyển dụng cán bộ y tế, chú trọng tập trung về mặt chất lượng, ưu tiên cán bộ y tế là người địa phương đang công tác, học tập ở các tỉnh bạn hoặc đang học tập ở nước ngoài; đồng thời khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao là người ngoài tỉnh về địa phương công tác. “Chúng tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo tỉnh để những người có trình độ chuyên môn sau đại học từ chuyên khoa I trở lên, đã đến tuổi nghỉ hưu, nếu còn sức khỏe thì vận động ở lại làm công tác chuyên môn, không giao nhiệm vụ quản lý. Hàng năm, theo yêu cầu cơ cấu cán bộ, ngành sẽ báo cáo với UBND tỉnh để bổ sung các đối tượng cần thu hút, tuyển dụng và công khai thông báo cho các cơ sở đào tạo cán bộ y tế. Ngành y tế sẽ tham mưu với UBND tỉnh giải quyết các chế độ chính sách đúng, đủ và kịp thời nhằm tăng hiệu quả của công tác thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực y tế, chú trọng đến các đối tượng là sinh viên chính quy, chuyên khoa đầu ngành, BS tình nguyện công tác lâu dài tại xã…”, ông Lạc nói.

Và thực hiện xã hội hóa về y tế

Công tác xã hội hóa y tế (YT) đã được tỉnh quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Tính đến tháng 9-2013, toàn tỉnh có 566 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh (KCB) theo hình thức xã hội hóa, trong đó có 9 bệnh viện đa khoa tư nhân, 39 phòng khám đa khoa tư nhân, 321 phòng khám chuyên khoa, 109 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 85 cơ sở dịch vụ YT khác. Số lượng nhân viên YT phục vụ tại các bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân là 2.525 người, trong đó có 675 BS. Tổng giường bệnh tại các bệnh viện tư nhân là 733 giường (chiếm 28,9% tổng giường bệnh trên toàn tỉnh). Theo thống kê của Sở YT, trung bình hàng năm có khoảng 300.000 - 600.000 lượt người bệnh đến KCB ở các cơ sở YT ngoài công lập...

Có thể nói, hoạt động YT ngoài công lập đã góp phần đáng kể trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong trên địa bàn tỉnh. Vì thế, công tác xã hội hóa YT cũng là một trong những giải pháp để bảo đảm nhân lực cho ngành YT tỉnh nhà. Ông Lục Duy Lạc cho biết, ngành YT luôn khuyến khích các cá nhân, tập thể đầu tư xây dựng các cơ sở YT để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015, YT ngoài công lập đảm đương được 30% công tác KCB và 10% công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Để thực hiện tốt công tác này, tỉnh Bình Dương nói chung, ngành YT nói riêng rất khuyến khích những người có trình độ cao về Bình Dương tham gia hành nghề YT, đầu tư trí tuệ, phương tiện kỹ thuật phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Trong công tác xã hội hóa, sẽ thu hút các nguồn tài chính từ các doanh nghiệp y dược, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn đầu tư, tài trợ kinh phí để xây dựng, đào tạo cán bộ YT sau khi ra trường về phục vụ cho đơn vị. Vận động các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân đứng ra tổ chức các lớp học theo hình thức đào tạo mới hoặc đào tạo liên tục, Nhà nước đứng vai trò quản lý và cấp phát văn bằng chứng chỉ...”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: “Cần thoáng trong thu hút nhân lực và nâng cao chất lượng nhân lực” Trong thu hút nhân lực, cần mở ra, thoáng hơn, kết hợp với nâng cao chất lượng của y, bác sĩ được chọn về Bình Dương làm việc. Con người một khi say mê chuyên môn, nghiệp vụ nhất định sẽ có cái mới, sẽ có thương hiệu. Khi đã tạo được thương hiệu rồi thì mọi chuyện sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Đã thu hút nhân tài thì phải đối xử với nhau cho tốt. Tôi tiếp xúc với nhiều BS, họ cho biết vẫn muốn làm trong bệnh viện công hơn bệnh viện tư. Bởi, nhu cầu lớn nhất của họ là được phục vụ nhiều bệnh nhân, được dự những hội thảo chuyên môn quan trọng trong ngành, được tiếp tục học để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Về nhân lực, vẫn ưu tiên đào tạo tại Bình Dương, có thể cho đi tu nghiệp ở nước ngoài. Việc tỉnh nhà dành ngân sách đào tạo sinh viên ngành y để về phục vụ người dân địa phương là không khó.

QUỲNH NHƯ (ghi)

 

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=475
Quay lên trên