Bài toán bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế không chỉ là lo lắng lâu nay của ngành y tế, mà còn là mối quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế không phải là chuyện một sớm một chiều…
Nhân lực là vấn đề “nóng” trong các cuộc họp liên quan đến ngành y tế trong thời gian gần đây. Từ lãnh đạo tỉnh, đến lãnh đạo ngành, đơn vị y tế đều cho rằng, nhân lực ngành y tế đang thiếu rất nhiều, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh trung học sẽ được tạo điều kiện học nâng cao để về phục vụ địa phương. Trong ảnh: Sinh viên trường Cao đẳng Y tế tỉnh đang thực tập tại Khoa nhi, BVĐK tỉnh
Để từng bước bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tham mưu xây dựng đề án “Bảo đảm nguồn nhân lực y tế Bình Dương giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Đề án đã được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 2-2012. Từ năm 2008 đến năm 2013, UBND tỉnh cũng đã ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng với các trường đại học y dược, liên kết với các viện chuyên khoa đầu ngành đào tạo chuyên khoa định hướng trình độ đại học và sau đại học cho cán bộ ngành y tế. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác hướng nghiệp, vận động học sinh trên địa bàn tỉnh sau khi tốt nghiệp phổ thông thi vào các trường y dược; tạo điều kiện thuận lợi để y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và nữ hộ sinh trung học… được đào tạo liên thông đại học về phục vụ địa phương.
Năm 2011, UBND tỉnh cũng đã ra quyết định về việc hỗ trợ sinh viên y dược đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Kết quả, tỉnh đã hỗ trợ 72 sinh viên đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng. Song song đó, tỉnh còn thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích tham gia đào tạo theo địa chỉ sử dụng và thu hút nhân lực ngoài tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo liên tục, đào tạo ở nước ngoài những chuyên ngành hiện nay tỉnh chưa có. Tổ chức tham quan học tập nước ngoài theo hình thức chuyển giao kỹ thuật. Tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế, các tổ chức nước ngoài cử đào tạo bác sĩ (BS), dược sĩ (DS), cử nhân (CN) theo chương trình học bổng. Hỗ trợ trường Cao đẳng Y tế tỉnh và các trường đào tạo y, dược trên địa bàn tỉnh đào tạo nâng dần chất lượng đội ngũ cán bộ trình độ cao đẳng và trung học. Sau 2 năm thực hiện, tỉnh đã cử đi đào tạo 259 người, trong đó có: 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ y, dược, 40 chuyên khoa II, 61 chuyên khoa I, 82 BS, 17 DS và 52 CN.
Phó chủ tịch ubnd tỉnh Huỳnh Văn Nhị: “Xây dựng uy tín, thương hiệu của một ngành rất khó, giữ được càng khó hơn”
Trong việc thu hút nhân tài, giữ chân người đến và chọn Bình Dương để làm việc lâu dài, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, phải gương mẫu, đoàn kết và gần gũi với anh em để biết tâm tư, nguyện vọng của họ.
Tôi vẫn không chấp nhận ý kiến BS làm việc là vì tiền. Tất nhiên, nếu có những người làm việc kiểu này, trước sau họ cũng tìm nơi khác có thu nhập cao hơn. Những trường hợp như thế không cần giữ chân làm gì vì họ cũng sẽ tìm cách… lấy tiền từ bệnh nhân! Điều đáng mừng là nhiều người trí thức làm việc không chỉ vì cần nhiều tiền. Họ muốn có môi trường làm việc tốt, được đối xử ân cần, cởi mở, được đào tạo cao hơn để nâng cao tay nghề, phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Thế nên, nhận người về đã khó, giữ người càng khó hơn. Vấn đề tạo uy tín và thương hiệu của một ngành cũng vậy…
QUỲNH NHƯ (ghi)
Việc tổ chức đào tạo tại chỗ, gửi cán bộ đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài luôn được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa thể bổ sung đủ nguồn lực cho ngành y tế. Vì vậy, việc thu hút nhân lực ngoài tỉnh đến tham gia công tác tại tỉnh nhà cũng được tỉnh và ngành y tế đặc biệt quan tâm. Để thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành “Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương”, trong đó có ngành y. Với chính sách ưu đãi trên, tỉnh đã thu hút nhiều nguồn lực từ TP.HCM, từ các tỉnh miền Trung, Tây nguyên… về công tác trong ngành y tế tỉnh nhà. Giám đốc Sở Y tế Lục Duy Lạc cho biết, từ năm 2010 đến năm 2012, Bình Dương đã thu hút, tuyển dụng 74 BS, 6 DS, 21 CN y tế và 18 CN khác từ các tỉnh, thành đến công tác trong ngành y tế tỉnh nhà.
Nhiều cán bộ quản lý các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh cho rằng, dù đã thu hút, tuyển dụng thêm nhưng nhân lực ngành y tế luôn trong tình trạng thiếu là do một số cán bộ y tế về hưu khi đến tuổi. Trong khi đó, tình trạng chảy máu chất xám từ y tế công lập ra bên ngoài cũng thường xuyên xảy ra. Một cán bộ lãnh đạo Sở Y tế trước đây từng “ví von” rằng “Nước luôn chảy về chỗ trũng” để nói lên thực trạng chảy chất xám từ y tế công lập ra y tế ngoài công lập. Theo vị cán bộ này, hiện nay y tế tư nhân đang phát triển rất mạnh. Họ sẵn sàng trả lương cao gấp nhiều lần bệnh viện công để thu hút các BS giỏi về đầu quân cho họ. Tất nhiên, cũng theo ông không phải ai cũng đồng ý ra ngoài khi có lời mời gọi. Nhiều người vẫn muốn gắn bó lâu dài với y tế công lập. Nếu xét theo nhu cầu công việc, thì ở đâu có điều kiện làm việc tốt, có cơ hội phát triển, chế độ đãi ngộ và được đối xử công bằng… thì ở đó sẽ có người tìm đến.
Kỳ 2: Giải pháp bảo đảm nhân lực cho ngành y tế
HỒNG THUẬN