Bệnh đái tháo đường: Chế độ ăn và vận động hợp lý là nền tảng trong điều trị

Cập nhật: 15-11-2013 | 00:00:00

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư hoặc thứ năm ở các nước phát triển. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng hoạt động thể lực…

Diễn biến bệnh thường âm ỉ

Bác sĩ (BS) Hồng Hữu Đức, khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa gây tăng đường tiết mãn tính và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi có đường trong nước tiểu thì bệnh đã ở giai đoạn muộn và thường có nhiều biến chứng.

Biến chứng của bệnh ĐTĐ gây tổn thương hàng loạt các cơ quan, như: Cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đục thủy tinh thể, mù mắt, suy thận nặng phải lọc máu hoặc ghép thận, dễ cảm, tê tay chân, nhiễm trùng bàn chân… Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc tàn tật suốt đời.

Mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh ĐTĐ sớm để điều trị kịp thời. Trong ảnh: Các BS Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng khám bệnh cho người dân

Bệnh ĐTĐ có 2 loại chính là ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2. Ngoài ra còn có ĐTĐ do thai nghén, do thuốc, do strees. Theo BS Đức, ĐTĐ type 1 thường gặp ở người gầy, trẻ tuổi, có các biểu hiện, như: Tiểu nhiều, uống nước nhiều, ăn nhiều và gầy nhiều. ĐTĐ type 2 thường gặp ở người mập, lớn tuổi và cũng có các triệu chứng: Uống nhiều, tiểu nhiều, mờ mắt, cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay…

Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp triệu chứng của bệnh thường diễn ra một cách âm ỉ nên khi phát hiện thì đã muộn hoặc được phát hiện tình cờ. ĐTĐ type 2 chiếm từ 85 - 95% trong tổng số bệnh nhân ĐTĐ, được xem là một dịch bệnh không lây nhiễm phổ biến hiện nay trên toàn thế giới, là gánh nặng cho nền kinh tế, cho xã hội trong thế kỷ XXI.

Cần phát hiện, điều trị sớm

Vấn đề phát hiện sớm bệnh ĐTĐ nhằm điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng kinh tế cho cá nhân, gia đình, xã hội là vấn đề cấp thiết ở Việt Nam và trên toàn cầu. Vì thế, BS Đức khuyên rằng, muốn phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, mọi người cần phải đi khám và làm xét nghiệm đường huyết đối với những người trên 30 tuổi. Nếu kết quả bình thường thì bắt buộc kiểm tra lại mỗi 2 năm/lần.

Riêng các trường hợp sau nên xét nghiệm đường huyết ở tuổi trên 25 mỗi năm/lần, đó là những người mà trong gia đình có người thân bị tiểu đường, bản thân bị béo phì, ít hoạt động thể lực, đã được BS chẩn đoán là rối loạn đường huyết lúc đói hay rối loạn dung nạp đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ trong máu. Đối với trẻ em béo phì, cần kiểm tra đường máu mỗi 2 năm/lần nếu có kèm theo một trong các yếu tố sau: Lúc mới sinh nặng ký, trên hoặc bằng 4kg, trong gia đình có người thân bị tiểu đường, sạm da vùng cổ, vùng nếp gấp da, cao huyết áp, rối loạn mỡ trong máu.

Theo các BS, điều trị ĐTĐ gồm có: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện cơ thể và sử dụng thuốc giảm đường huyết theo đúng lời dặn của BS. Chế độ ăn hợp lý là nền tảng điều trị cho bệnh ĐTĐ. Chế độ ăn hợp lý giúp người bệnh ổn định mức đường trong máu, giảm được liều thuốc cần sử dụng, ngăn chặn và làm chậm xuất hiện các biến chứng, kéo dài tuổi thọ.

Chế độ ăn hợp lý còn giúp người bệnh thoải mái, tự tin trong cuộc sống, ít có cảm giác cách biệt trong xã hội. BS Đức cũng lưu ý, không có một thực đơn chung cho mọi bệnh nhân ĐTĐ, bởi vì mỗi bệnh nhân ĐTĐ có sở thích ăn uống khác nhau, mức độ hoạt động thể lực khác nhau, mức đường trong máu khác nhau hoặc cách sử dụng thuốc khác nhau.

Làm gì để phòng tránh?

Theo các BS, để phòng tránh bệnh ĐTĐ cần phải phòng tránh béo phì, gia tăng hoạt động thể lực, năng động trong mọi hoạt động và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hoạt động thể lực tốt nhất là đi bộ, với khoảng từ 500 - 10.000 bước chân/ngày. Trong chế độ dinh dưỡng, nên ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn và món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa.

Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng, như đường, nước ngọt, bánh, kẹo. Mỗi bữa ăn phải ăn có chừng mực, không ăn quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều, ăn thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.

ĐTĐ là một bệnh mãn tính, nếu không được phát hiện và điều trị sớm dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở tim, thận, mắt, não. Chế độ ăn và vận động hợp lý là nền tảng trong điều trị. Bệnh có thể phòng ngừa được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, gia tăng hoạt động thể lực và giữ cân nặng vừa phải; tránh bị mập phì. Và cuối cùng, mọi người nên nhớ cần phải đi xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe định kỳ để chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, điều trị kịp thời.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên