Thời tiết Nam bộ đang vào mùa mưa. Buổi sáng trời đang nắng gắt, nhưng đến trưa và chiều thường có mưa. Sự thay đổi thất thường của thời tiết đã khiến cho số trẻ em đến khám và điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong những ngày này gia tăng. Chính môi trường ẩm thấp đã khiến cho virus, vi trùng, ký sinh trùng sinh sôi, nảy nở. Trẻ em dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng còn yếu và do trẻ chưa có ý thức phòng bệnh cho bản thân. Trẻ có thể bị bệnh sau khi tiếp xúc với người bệnh. Trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh, càng nặng.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, BS chuyên khoa II, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết, mùa mưa như hiện nay là dịp bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao. Đây cũng là thời điểm gia tăng các bệnh tay - chân - miệng (TCM) và một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, như: hen phế quản trẻ em, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy cấp… Từ đầu tháng 6 đến nay, trẻ em nhập viện do các bệnh lý vừa nêu trên đều gia tăng. Ghi nhận tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh số bệnh nhi bị SXH, TCM… đều tăng gấp đôi so với tháng trước, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng do người nhà chủ quan nên đưa trẻ đến bệnh viện trễ.
Trong đó có nhiều ca bệnh nặng phải điều trị cấp cứu. Nguyên nhân thường gặp nhất ở các ca cấp cứu là do gia đình không nghĩ em bé bị bệnh nặng. “Chẳng hạn trong thời tiết lạnh như hiện nay, khi nghe bác sĩ thông báo trẻ bị viêm phổi phải nhập viện thì nhiều bà mẹ ngỡ ngàng. Một số bà mẹ nghĩ đơn giản rằng, chỉ khi nào bé tím tái hoặc thở phập phồng cánh mũi mới cho là nặng. Thực sự, khi trẻ ho kèm theo các biểu hiện thở khác thường là phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tương tự, có trường hợp trẻ vào cấp cứu nhi trong tình trạng sốc SXH Dengue nặng do trẻ sốt cao liên tục 3 ngày nhưng PH vẫn nghĩ bé chỉ bị bệnh cảm sốt thông thường. Khi đưa trẻ đến bệnh viện thì tình trạng bệnh của bé đã diễn tiến nặng nề.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ vào thời điểm mùa mưa này, đặc biệt là trước bệnh SXH và TCM, bác sĩ Nguyệt cũng khuyến cáo các bậc PH cần quan tâm đến vấn đề sức khỏe của con cái mình nhiều hơn. Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt bằng cách rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh vì đôi bàn tay không sạch chính là môi trường trung gian khiến trẻ nhiễm bệnh; có chế độ ăn uống hợp vệ sinh và phù hợp với các lứa tuổi, đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó cần chú ý đến công tác vệ sinh môi trường, như: phát quang bụi rậm quanh nhà, lau nhà thường xuyên, thường xuyên thay bình bông trong nhà nhằm loại bỏ sự sinh sôi của muỗi vằn - tác nhân gây bệnh SXH; chích ngừa đầy đủ để phòng bệnh cho trẻ. Điều đặc biệt cần lưu ý là, khi trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2 ngày trở lên, nổi hồng ban, mụn nước ở một trong những vị trí như: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; trẻ ho, sổ mũi kèm thở bất thường, thở mệt, thở co kéo liên sườn… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh kịp thời.
HỒNG THUẬN