Bình Dương đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường

Cập nhật: 28-10-2010 | 00:00:00

  Nước thải chưa qua xử lý từ các KCN là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trườngBình Dương là một trong 12 tỉnh, thành nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Đồng Nai trong thời gian qua đạt được những kết quả nhất định...

Hệ thống sông Đồng Nai có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài cung cấp nước các kênh, rạch, sông, suối thuộc hệ thống sông Đồng Nai còn là nguồn cung cấp và nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy và du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh... Việc phát triển nhanh về kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã làm cho bộ mặt của tỉnh ngày càng thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhanh về kinh tế trong khi đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn thiếu đồng bộ và chưa kịp theo tốc độ phát triển, đã gây nên những tác động xấu đến chất lượng nước hệ thống sông Đồng Nai.

Kết quả quan trắc, xét nghiệm nước thường xuyên của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nguồn nước mặt tại lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn hiện đang trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động, nhiều chỉ tiêu môi trường như vi sinh, ammonia, nồng độ COD, chất hữu cơ đều vượt quy chuẩn chất lượng cho phép lên đến hàng chục lần. Chất lượng nước mặt đã có xu hướng suy giảm từ ngã ba hợp lưu sông Đồng Nai và sông Bé đến bến đò Tân Ba (Thái Hòa - Tân Uyên). Hàm lượng chất hữu cơ đã tăng dần từ thượng lưu đến hạ lưu và tăng theo các năm. So với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cho thấy hạ lưu sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm dinh dưỡng, hàm lượng NH3-N vượt từ 3-10 lần, Coliform cũng đã vượt quy chuẩn từ 1,3 - 1,5 lần. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm trên chủ yếu là từ các nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt.

Tuy các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng do chưa kiểm soát được chất lượng nước đầu vào nên một số KCN còn chưa xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Trong số 9 cụm công nghiệp có 8 cụm công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ các cơ sở nằm ngoài KCN, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép thải ra môi trường chỉ chiếm 20%. Bên cạnh đó, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay chưa tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Để triển khai kế hoạch thực hiện đề án BVMT lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 một cách có hiệu quả, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý Nhà nước về môi trường; tăng cường đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về BVMT lưu vực sông; phối hợp chặt chẽ với Trung ương và 11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong hoạt động BVMT lưu vực sông; tiếp tục triển khai thực hiện Dự án quản lý Nhà nước về môi trường cấp tỉnh (VPEG) do Chính phủ Canada tài trợ, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương với các nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài để tranh thủ sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí tuệ, tài chính, công nghệ và thu hút đầu tư trong BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam khẳng định, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương quyết tâm rất cao về vấn đề BVMT, tỉnh cam kết sẽ triển khai thực hiện các nội dung thuộc đề án BVMT lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng các trạm, nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại tại các khu, cụm công nghiệp; triển khai các kế hoạch của UBND tỉnh về BVMT lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2010-2020 và Ban Chỉ đạo bảo BVMT lưu vực sông Đồng Nai sẽ sớm đi vào hoạt động.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên