Công tác y tế dự phòng tốt
Tại nhà số 131/30, đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa (TX.TDM), đoàn công tác đến thăm một gia đình có trẻ 12 tháng tuổi bị bệnh TCM do Trạm Y tế phường chọn, đồng thời kiểm tra ngẫu nhiên 2 hộ gia đình gần đó có trẻ dưới 5 tuổi.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế (bìa trái) thăm hỏi hộ gia đình có trẻ mắc bệnh TCM tại phường Phú Lợi (TX.TDM)
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá rất cao về công tác tuyên truyền của đội ngũ cộng tác viên ở tuyến cơ sở. Khi thứ trưởng hỏi gia đình có trẻ mắc bệnh TCM, phụ huynh tương đối biết thông tin về bệnh này và cách phòng chống. Ở hộ gia đình không có trẻ mắc bệnh thì phụ huynh cũng biết cách phòng chống TCM. Được hỏi tại sao hộ gia đình biết thông tin này, thì được trả lời là thông qua chị Trinh, cộng tác viên y tế của phường đã hướng dẫn và phát nước chloramin B sát khuẩn để phòng chống bệnh TCM.
Trước tình hình dịch bệnh TCM tiếp tục diễn biến phức tạp với hơn 12.500 ca bệnh xuất hiện tại 60/63 tỉnh, thành, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011 trong đó có 11 ca tử vong, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạnh các hoạt động phòng chống dịch bằng tất cả nguồn lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, thị và phường, xã, thị trấn.
Đầu tư trang thiết bị chuyên sâu
Sở Y tế Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp và đã có 287 ca nhập viện, không có ca tử vong, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các huyện, thị có số ca mắc cao như: TX.Thuận An (77 ca), TX.TDM (56 ca), Bến Cát (42 ca), Tân Uyên (39 ca). Bên cạnh đó, tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 614, so với cùng kỳ năm 2011 giảm 34,3%. Số ổ dịch phát hiện là 40, xử lý 26, đạt tỷ lệ 65%, số ổ dịch chưa được xử lý là do địa chỉ không rõ, không tìm được nhà bệnh nhân, thông tin phản hồi chậm. Tính từ đầu năm đến nay, có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Qua chuyến khảo sát thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh TCM, Đoàn công tác đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ bác sĩ bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đoàn công tác yêu cầu bệnh viện trong thời gian tới phải sắp xếp khu vực cách ly hợp lý hơn để bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, bệnh viện cũng nên đầu tư các thiết bị chuyên sâu như máy lọc máu liên tục để phục vụ trong công tác điều trị tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị cho biết, so với cùng kỳ năm 2011, tình hình dịch bệnh TCM năm nay tăng sớm ngay vào thời điểm chuyển mùa. UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo ngành y tế và các sở, ban, ngành và đoàn thể tích cực phối hợp ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trong năm qua, Bình Dương cũng đã chú trọng trong công tác đầu tư trang thiết bị và nhân sự cho ngành y tế dự phòng. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế tổ chức triển khai kế hoạch chiến dịch quốc gia phòng chống TCM trong thời gian tới. Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng đề nghị đoàn công tác tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cũng như hỗ trợ chuyên môn cho ngành y tế Bình Dương trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh diễn biến tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đối với bệnh H5N1, mặc dù khó thành dịch nhưng sẽ có thêm những ca mắc mới nên cần phải đề phòng. Đồng thời, thứ trưởng cũng nhắc Bình Dương cần tập trung trước hết cho bệnh TCM, quan điểm của bộ rất coi trọng công tác dự phòng nhưng trước tình hình hiện nay, việc điều trị nhằm giảm số ca tử vong là nhiệm vụ tiên quyết.
Cần tăng cường trang thiết bị để phòng chống có hiệu quả dịch bệnh tay - chân - miệng
Xung quanh tình hình dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp và có thể tăng cao trong thời gian tới. Một trong những biện pháp cơ bản là tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh. PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dành cho báo Bình Dương cuộc trao đổi ngắn.
- Xin Thứ trưởng cho biết diễn biến tình hình dịch bệnh TCM như thế nào?
- Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc bệnh, 60/63 tỉnh, thành có ca nhiễm bệnh, có 11 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc TCM tăng gấp 7 lần. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và nhiều nguyên nhân khác, thời gian tới, bệnh TCM vẫn có khả năng diễn biến trên diện rộng và số người mắc bệnh sẽ tăng nhiều hơn. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh TCM trên thế giới trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước, đặc biệt tại Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Hiện nay không có vắc-xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng chống dịch không đặc hiệu. Đặc biệt, có nhiều tuýp virus gây bệnh, tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn, chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng; tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần; đặc biệt người lớn mang trùng lây cho trẻ con qua hành vi chăm sóc trẻ chưa an toàn, nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh hợp chuẩn, điều kiện ăn ở chưa sạch sẽ... Bên cạnh đó, một số nơi các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức; công tác phòng chống dịch chưa triệt để; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.
- Qua chuyến khảo sát tình hình dịch bệnh TCM tại Bình Dương, ông có đánh giá gì?
- Qua chuyến khảo sát thực tế về công tác phòng chống dịch bệnh TCM tại tỉnh Bình Dương, đoàn công tác đánh giá rất cao về công tác y tế dự phòng của tỉnh. Nhất là đội ngũ cộng tác viên y tế xã, phường tuyên truyền thông tin về bệnh TCM và cách phòng chống bệnh đến từng hộ dân. Đây là mô hình tốt cần được triển khai nhân rộng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cần đầu tư thêm trang thiết bị chuyên sâu phục vụ trong việc điều trị và đồng thời cần tổ chức tập huấn phác đồ điều trị TCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho tuyến huyện nhằm giảm bớt sự quá tải tuyến trên. Đặc biệt là sự phối hợp giữa ngành y tế với sở, ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh.
- Trước những yếu tố khiến dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế có những biện pháp gì để khống chế dịch bệnh lan rộng?
- Để khống chế dịch bệnh lan rộng, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn công tác thường xuyên đi đến từng địa phương để giám sát dịch bệnh. Ngoài ra, năm nay Bộ Y tế cũng chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông tại cộng đồng. Vì trẻ dưới 3 tuổi hiện nay chiếm 81% tổng số ca mắc bệnh, những trẻ này thường chưa đi học. Vì thế, tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch TCM sẽ phải phát đến tất cả các hộ có con nhỏ dưới 3 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Người chăm trẻ có đọc, có hiểu thì mới có thể phòng bệnh được cho trẻ. Đồng thời, trong công tác điều trị, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các tỉnh phải tăng cường trang bị trang thiết bị, máy thở, máy lọc máu liên tục, thuốc men nhằm giảm tử vong do TCM.
T.PHƯƠNG (thực hiện)
T.PHƯƠNG