Các bệnh ở trẻ em gia tăng: Khoa nhi BVĐK tỉnh quá tải!

Cập nhật: 13-08-2010 | 00:00:00

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại số trẻ em mắc các bệnh như: sốt xuất huyết (SXH), viêm phổi, sốt siêu vi phải nhập viện điều trị tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang tăng mạnh... các bậc phụ huynh cần lưu ý trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ.

Khoa nhi BVĐK tỉnh có 185 giường, tuy nhiên thời điểm hiện nay do số lượng bệnh nhi đến điều trị tăng mạnh nên 2, 3 bệnh nhi phải nằm cùng 1 giường. Số khác phải nằm ghế bố ngoài hành lang. Bác sĩ Trưởng khoa Trần Thị Minh Nguyệt cho biết hiện khoa đang bị quá tải, số trẻ nhập viện gia tăng do mắc các bệnh như: SXH, viêm phổi, sốt siêu vi, viêm não, tiêu chảy cấp, tay - chân - miệng... đáng lưu ý là số ca SXH đang tăng nhanh kể từ đầu tháng 8. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 ca SXH điều trị nội trú, ngày cao điểm lên đến hơn 50 ca, trong đó có nhiều ca nặng phải nằm ở phòng cấp cứu nhi. Chưa kể số ca đến khám bệnh ngoại trú.

 

Nhiều bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang, các y bác sĩ gặp không ít khó khăn trong điều trị

Được biết, hàng năm từ tháng 7 - tháng 10 số ca SXH trên địa bàn tỉnh thường tăng mạnh cùng với những bệnh khác nên thường xảy ra tình trạng quá tải ở khoa Nhi, các y bác sĩ ở đây gặp không ít khó khăn trong công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Họ phải chịu nhiều áp lực không chỉ vì công việc nhiều lên mà còn phải chịu áp lực từ những thân nhân bệnh nhi khó tính.

Bác sĩ Nguyệt cho biết nhiều phụ huynh chủ quan, không nghĩ con mình bị SXH mà thường cho là trẻ bị cảm ho. Nên khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau, các bậc phụ huynh phải lưu ý đến việc trẻ có thể mắc SXH như: trẻ sốt cao liên tục 2 ngày trở lên, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng lại sốt trở lại, nhức mỏi toàn thân. Một số trường hợp có các biểu hiện như: ho, sổ mũi, tiêu chảy, kèm các chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Bệnh thường chuyển nặng vào ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh. Bệnh nhân từ sốt cao chuyển sang hạ sốt kèm theo các dấu hiệu như người lừ đừ, đau bụng, ói nhiều lần, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu phân đen, tay chân lạnh. Đây là những dấu hiệu bệnh chuyển nặng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nhẹ có thể đưa trẻ đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế. Trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng phải đưa trẻ kịp thời đến bệnh viện.

Các bậc phụ huynh phải lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách thu gom, dọn dẹp các vật dụng phế thải chứa, đọng nước quanh nhà để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Tránh muỗi đốt bằng cách cho trẻ mặc quần áo tay dài, ngủ mùng ngay cả ban ngày, diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi...

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên