Cần quan tâm sức khỏe tâm thần…

Cập nhật: 30-12-2013 | 00:00:00

Bác sĩ (BS) Phạm Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về bệnh tâm thần (TT). Bệnh TT không nên xem nhẹ bởi ai cũng có thể mắc bệnh và cần quan tâm, điều trị kịp thời…  

BS Phạm Đăng Cửu khám bệnh cho bệnh nhân

- Nguyên nhân nào gây nên bệnh TT, thưa BS?

- Có 2 lý do dẫn đến bệnh TT: có nguyên nhân và không có nguyên nhân. Nhóm không có nguyên nhân là do TT nội sinh. Đó là yếu tố gia đình, di truyền, do ảnh hưởng từ môi trường sống… Thường nguyên nhân này là “chưa có bằng chứng”! Đó là dạng TT phân liệt, rối loạn dạng phân liệt. Bệnh TT có nguyên nhân là do tổn thương não như: Chấn thương sọ não, chết não do thiếu ô xy, tai biến mạch máu não. Cũng có thể do một số bệnh lý nội khoa nhưng không được điều trị dẫn đến rối loạn TT như: Bệnh nhân bị cường giáp, nhiễm độc và nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương… Một số bệnh TT có nguyên nhân nữa là stress tâm lý, thất bại trong công việc, áp lực công việc dai dẳng, suy kiệt cơ thể…

- Xin BS cho biết hướng điều trị của bệnh này?

- Về điều trị bệnh TT, nếu bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, bắt buộc phải sử dụng thuốc chống loạn thần. Nhóm có nguyên nhân phải điều trị song song 2 thứ bệnh. Đó là thuốc chống loạn thần cộng với điều trị nguyên nhân gây nên bệnh TT. Ví dụ, bệnh TT của bệnh nhân (BN) do nguyên nhân chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, stress… thì phải điều trị luôn cả những bệnh này cùng lúc. Những trường hợp này phải giải thích kỹ càng cho BN hiểu biết để tin tưởng, an tâm, đầu óc thoải mái và từ đó, họ phối hợp tốt với bệnh viện để điều trị. Một số bệnh TT do rối loạn lo âu phải cho uống thuốc giải tỏa lo âu (lâu nay người ta quen gọi là thuốc an thần). Nhưng, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bên ngoài để uống bởi đa số thuốc là đặc trị, nếu lạm dụng sẽ gây nghiện thuốc!

Để điều trị tốt cần đi đúng chuyên khoa tâm thần kinh. BS, điều dưỡng viên cũng cần phối hợp tốt với BN, vừa điều trị bằng thuốc vừa tránh sang chấn để giúp BN mau hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng. Có thể để BN nội trú đã ổn định lao động nhẹ, bưng dọn cơm, đi dạo, tập thể dục… để tinh thần thoải mái hơn, tránh cảm giác tù túng. Thực tế có nhiều trường hợp ở Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát… sau thời gian điều trị tại khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã về địa phương, tiếp tục công việc cũ. Tuy nhiên, họ vẫn cần được theo dõi bởi y tế cộng đồng ở địa phương mới ổn định lâu dài, chậm tái phát bệnh…

- BS có lời khuyên nào cho mọi người để phòng, chống bệnh TT?

- Theo số liệu thống kê, 9 tháng đầu năm 2013, BN nội trú ở khoa Tâm thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 363 người. Số khám bệnh và điều trị ngoại trú hàng chục trường hợp/ngày. Bệnh TT ngày càng dễ mắc phải nên chúng ta cần đề phòng bằng lối sống lành mạnh, tránh các sang chấn trong cuộc sống ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Không nên lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, gây nghiện. Cần sắp xếp cuộc sống, công việc một cách khoa học, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ, tránh không để xảy ra các tai nạn ảnh hưởng đến não bộ, thần kinh.

Bên cạnh đó, cần chú ý điều trị các bệnh có khả năng liên quan đến bệnh TT như: Stress, cao huyết áp, tim mạch… Bởi, những bệnh này dễ dẫn đến trầm cảm nếu BN không được điều trị đúng cách, kịp thời.

- Xin cảm ơn BS!

QUỲNH NHƯ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên