Cẩn trọng với kháng sinh!

Cập nhật: 06-10-2012 | 00:00:00

Uống nhiều thuốc kháng sinh, quân bình vi sinh trong khung ruột của trẻ bị rối loạn trầm trọng bên cạnh tình trạng thiếu hụt nhiều sinh tố và khoáng tố do các chất này vừa bị tiêu thụ quá nhiều trong tiến trình bội nhiễm, vừa không được hấp thu do rối loạn tiêu hóa dai dẳng. Trẻ vì thế suy dinh dưỡng mà cha mẹ không ngờ do hậu quả của lạm dụng thuốc kháng sinh.

Bình thường, trong cơ thể mỗi người đều có một đội quân chiến đấu luôn túc trực sẵn sàng (hệ miễn dịch). Nếu có một con vi sinh vật nào đó lọt vào trong cơ thể tính tấn công chúng ta, lập tức đội quân chiến đấu sẽ tiêu diệt kẻ thù ngay. Tuy nhiên, đôi khi lực lượng quân địch hùng hậu quá hoặc lực lượng chiến đấu của ta yếu kém quá, cơ thể của chúng ta phải cần đến viện binh để chiến thắng. Nếu quân địch là các loại vi trùng thì viện binh của cơ thể ta chính là kháng sinh. Kháng sinh được hiểu là “kháng” lại sự “sinh sống” của các “sinh vật”. Kháng sinh có thể trực tiếp tiêu diệt vi trùng (diệt khuẩn) hoặc làm cho chúng yếu đi (kiềm khuẩn) để cơ thể tiếp tục tiêu diệt chúng.

Vậy khi nào và bị bệnh gì thì nên sử dụng kháng sinh? Như đã đề cập, kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi trùng (vi khuẩn) mà thôi. Nếu bị bệnh không do vi trùng thì có sử dụng kháng sinh tốt như thế nào, liều mạnh như thế nào cũng không thể hết bệnh được. Đa số những bệnh thông thường như cảm ho, sổ mũi, hắt hơi, đau họng, nhức mỏi, nóng sốt đều là do siêu vi gây ra. Các bệnh như viêm họng, viêm tai, viêm phế quản cũng thường do siêu vi gây ra, ta không nên sử dụng kháng sinh ngay từ đầu. Nếu sau 2 - 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm hay nặng hơn, ta nên đi khám bệnh để bác sĩ đánh giá xem bệnh có phải do nhiễm trùng hay bệnh do siêu vi bị bội nhiễm thêm vi trùng. Chỉ những trường hợp này, kháng sinh mới thật sự có hiệu quả.

Nếu đúng bệnh do vi trùng gây ra thì sử dụng kháng sinh có cần phải lưu ý gì không? Vi trùng nếu còn nhạy kháng sinh thì bệnh thường thuyên giảm dần sau 1 - 2 ngày, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm họng mủ, viêm tai giữa mủ, viêm phổi... Nhiều người thấy đỡ bệnh liền ngưng không dùng kháng sinh tiếp nữa mà không biết như vậy gây tác hại vô cùng: vi trùng chỉ mới bị tiêu diệt một phần sau vài liều kháng sinh, số còn sống sót sẽ tiếp tục phát triển, sinh sôi nảy nở làm bệnh tái phát. Do vậy, thông thường kháng sinh được sử dụng từ 5 - 7 ngày, có khi từ 10 - 14 ngày hoặc lâu hơn tùy theo bệnh nhiễm trùng ở vị trí nào và nặng nhẹ ra sao.

Điều cũng quan trọng không kém là liều lượng thuốc kháng sinh. Nếu uống đủ thời gian mà lượng thuốc không đủ thì cũng không tiêu diệt được vi trùng. Đối với trẻ em, liều thuốc được tính theo cân nặng. Nếu trẻ béo phì thì liều thuốc sẽ được điều chỉnh theo cân nặng lý tưởng.

Điều quan trọng cuối cùng là khoảng cách giữa các liều. Nếu một loại thuốc kháng sinh được cho uống 3 lần/ngày thì điều đó có nghĩa là 8 tiếng uống một lần.

Hiện nay, tại Việt Nam, kháng sinh được bán rộng rãi không cần toa bác sĩ kể cả những loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất. Bác sĩ nhiều khi cũng chiều theo ý bệnh nhân, cho sử dụng kháng sinh bao vây hoặc đổi kháng sinh liên tục hoặc sử dụng kháng sinh mạnh cho bệnh nhẹ (dùng dao mổ trâu để giết gà!). Tất cả những điều này đều khiến cho vi trùng càng đề kháng kháng sinh hơn nữa. Đừng để đến lúc nào đó ta sẽ giống như bị tước hết vũ khí và phải “tay không đánh giặc”!

THS.BS. BÙI NGUYỄN ĐOAN THƯ (BV Nhi Đồng 2, TP.HCM)
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên