Chớ xem thường nắng, nóng

Cập nhật: 15-12-2012 | 00:00:00

Ở khu vực phía Nam, lúc giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa như hiện tại là thời điểm cường độ nắng và nóng cao nhất, rất dễ khiến người đi đường hoặc công nhân lao động ngoài trời rơi vào chứng say nắng hoặc say nóng.

Trong râm mát vẫn bị say nắng

 Say nắng, say nóng là rất nguy hiểm nhưng tâm lý nhiều người coi thường. Nên nhớ rằng không cấp cứu kịp thời thì người say nắng hoặc say nóng đều có thể tử vong.

Đối tượng dễ say nắng nhất chính là người cao tuổi, vì cơ thể tỏa nhiệt kém do tuyến mồ hôi dưới da teo lại. Những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, người bị suy dinh dưỡng, thai phụ, sản phụ lẫn người khỏe mạnh nhưng lao động ngoài trời cũng dễ bị say nắng.

Tuy nhiên, dù đều là hậu quả do thời tiết nắng nóng gây ra nhưng say nắng và say nóng hoàn toàn khác nhau nên việc xử trí cũng sẽ khác nhau. Say nắng thường do nạn nhân trực tiếp ở dưới ánh nắng mặt trời, biểu hiện dễ thấy nhất là mặt đỏ nhừ, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh rồi ngất lịm. Say nóng thường do sức nóng (nhà xe, mái tôn, tàu xe chật chội, nắng buổi chiều...) tác động lên cơ thể kéo dài, biểu hiện gần giống như say nắng nhưng diễn tiến từ từ và mức độ nhẹ hơn.

Say nóng, say nắng ở mức nhẹ thì Đông y gọi là thương thử, nặng thì gọi là trúng thử. Ở trong râm mát nhưng do khí nóng quá mà say nóng gọi là âm thử, trực tiếp dưới ánh nắng mà say nắng gọi là dương thử.

Xử trí

Khi có người bị dương thử thì phải đem họ ra khỏi chỗ nắng, nóng, nằm nghỉ ở nơi thoáng mát; nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt; dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp lên trán, gáy, nách và lau khắp người cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 380C; cho uống nhiều nước (oresol, trà loãng hoặc nước lọc); nếu hôn mê thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay.

Dương thử không quá nặng thì có thể dùng bột sắn dây (20g - 30g) hòa với 350ml nước sôi để nguội, thêm chút đường, ngày uống 2 đến 3 lần; dùng ruột quả dưa hấu (500g - 800g) ép lấy nước, chia 2 đến 3 lần uống trong ngày. Kinh nghiệm dân gian cũng có cháo giải thử với nguyên liệu là gạo tẻ nấu với lá sen tươi (hoặc thay bằng đậu xanh, bột hoặc củ sắn dây, lá hương nhu tươi)…

Quan niệm khi say nắng chỉ cần uống nhiều nước, uống nước hoa quả hoặc ăn trái cây ướp lạnh là rất hại cho sức khỏe bởi nên bù lại lượng nước đã mất nhưng uống quá nhiều nước khi vừa say nắng là rất nguy hiểm. Khi say nắng nặng cũng không nên cho uống nước liền mà phải chờ khi tình trạng ổn định. Say nắng mà sốt cao không nên dùng thuốc hạ nhiệt, nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 39 độ C thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay.

 

 Không ở nơi nóng bức liên tục quá lâu

Để phòng tránh say nắng, nên đội mũ và mặc quần áo màu nhạt dệt bằng vải bông vàtơ, lụa khi ra ngoài trời; hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Những ngày nắng nóng nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây (cà chua, xà lách, bí đao, mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ…). Để tránh say nóng thì không ở nơi nóng bức liên tục quá lâu, nếu phải hoạt động liên tục từ 45 đến 60 phút thì cần có giải lao 10 đến 15 phút và khi làm việc phải có quần áo chuyên dụng, chuẩn bị đủ nước sạch để uống khi khát. Sau khi sơ cứu người say nắng, say nóng thì nên lấy 30g đậu xanh sắc nước cho uống và nên làm vài lần như thế. Lưu ý là người bị say nắng không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc tẩm bổ quá nhiều.

 

 Lương y HOÀNG CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên