Chú ý phòng, ngừa bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa

Cập nhật: 20-05-2014 | 00:00:00

Trong khi bệnh sởi có dấu hiệu giảm thì các loại bệnh truyền nhiễm khác từ thủy đậu, tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy (TC) lại vào mùa cao điểm. Do vậy, công tác phòng, ngừa bệnh cần được quan tâm hơn nữa…

 

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt khám cho một bệnh nhi mắc bệnh TCM

Trao đổi với chúng tôi về tình hình bệnh truyền nhiễm tại thời điểm này, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, cho biết cuối tuần qua, bệnh sởi giảm nhiều do việc dập dịch đạt hiệu quả tốt. Phụ huynh quan tâm hơn đến việc tiêm ngừa sởi nên ít trường hợp nhập viện mới. Một trong những điều đáng ghi nhận nữa là phụ huynh đã hết hoang mang về bệnh sởi, yên tâm điều trị ở tuyến dưới nên không xảy ra tình trạng quá tải hay lây nhiễm chéo tại khoa Nhi BVĐK tỉnh.

Trong khi đó, đã có nhiều ca thủy đậu, TC và TCM nhập viện. Vắc xin ngừa thủy đậu đang thiếu và vẫn chờ. Bệnh TCM là loại bệnh liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa nên cách tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh cho trẻ từ gia đình đến nhà trường, kể cả các khu vui chơi. Một điều đáng chú ý là bệnh nhân nhập viện do viêm hô hấp trên, TC tăng trong thời điểm này. Mỗi ngày khoa khám bệnh cho hàng trăm bệnh nhi và số bệnh nhi tiêu chảy cấp nặng cho nhập viện vẫn còn cao. Theo khuyến cáo của bác sĩ, mùa nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu, mất vệ sinh, sức đề kháng của cơ thể trẻ còn yếu nên dễ mắc bệnh. Cần chú ý đến nguồn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh tình trạng tiêu chảy ở trẻ. Nếu thức ăn nghi ngờ bị ôi, thiu, nên bỏ đi không cho trẻ ăn.

Riêng với bệnh SXH, theo bác sĩ Minh Nguyệt, mặc dù tháng 7, tháng 8 hàng năm mới là cao điểm của bệnh này nhưng bà con cần chú ý phòng ngừa bệnh ngay khi có những cơn mưa chuyển mùa đầu tiên. Cách chăm sóc hầu hết các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em là các trường hợp điều trị ngoại trú cũng phải tái khám, theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ bảy của bệnh. Điều đáng nói là phụ huynh cần theo dõi con kỹ trong trường hợp bé lên cơn sốt. Bên cạnh đó còn thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống bệnh cho những trẻ chưa mắc bệnh…

Phụ huynh cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH, TCM, TC… như: nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, da tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Kể cả khi trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trên cũng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Khi trẻ có dấu hiệu mắc một trong số các bệnh truyền nhiễm, nên cho trẻ ở nhà, không đến trường, không đến những nơi đông người như hồ bơi, khu vui chơi để tránh lây lan ra cộng đồng.

 

 Những ngày qua, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và truyền thông cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để chống dịch, bệnh TCM - hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014”. Các hoạt động cụ thể gồm: Tuyên truyền tại gia đình, cộng đồng, chú ý đặc biệt các trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Chỉ đạo các trường làm sạch phòng học và đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các nơi đông người qua lại như chợ, công sở, trường học; tăng cường phổ biến qua các kênh truyền thông từ báo chí đến hệ thống truyền thông ở xã, phường.

 

 QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=479
Quay lên trên