Chuyện ghi ở bệnh viện

Cập nhật: 12-09-2012 | 00:00:00

Hiện nay, hệ thống bệnh viện công lập và ngoài công lập phủ khắp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Nhưng mỗi khi có bệnh người dân vẫn thường chọn bệnh viện công. Điều này đã gây nên sự quá tải cho các bệnh viện, nhất là ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Và đâu chỉ có chuyện quá tải, còn nhiều việc khác có liên quan mà chúng tôi đã góp nhặt thành câu chuyện, xin ghi lại dưới đây.

 1. Đầu tiên là chuyện quá tải bệnh nhân. Việc quá tải ở khu khám bệnh, khu chẩn đoán hình ảnh, nhận thuốc BHYT chúng tôi xin cho qua, vì nếu có “kể lể” thì cũng do áp lực người bệnh quá cao, buộc bệnh nhân phải chờ đợi lâu là lẽ đương nhiên. Việc quá tải ở khoa điều trị mới là vấn đề đáng quan tâm. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhắc đến khoa ngoại, đây là khoa thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân, nhất là những ngày đầu tuần người bệnh vừa được phẫu thuật. Khoa này có khoảng 20 phòng, nhưng hầu như phòng nào cũng kê thêm 1 - 2 ghế bố. Có hôm trong phòng không còn chỗ để ghế bố, buộc người bệnh phải nằm cả ngoài hành lang.  

Khoa ngoại bệnh viện quá tải, bệnh nhân phải nằm hành lang

Vừa phẫu thuật xong, chuyển xuống trại, nghe nói không còn giường phải nằm ghế bố, bệnh nhân nghe mà “choáng váng”. Nhưng cuối cùng ai ai cũng vui vẻ chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác. Nhìn người bệnh khác nằm giường, những người nằm ghế bố cứ ước ao và căn dặn mấy cô điều dưỡng khi nào có bệnh nhân xuất viện nhớ ưu tiên cho được lên giường. Đến khi được lên giường, tưởng đâu đã toại nguyện, ai ngờ người bệnh mới nhận ra rằng, hóa ra nằm ghế bố còn êm hơn, dù có hơi chật chội. Bởi có những chiếc giường vừa cao, nệm thì đã quá cũ kỹ, gãy gấp khúc, hoặc trũng xuống ở giữa, bệnh nhân khó mà xoay trở người hoặc lên xuống giường. Có người cứ lơ mơ với ý nghĩ: chọn ghế bố hay chọn nằm giường?

2. Vào viện, đâu chỉ có chuyện quá tải người bệnh, mà còn quá tải cả thân nhân bệnh nhân. Có những bệnh nhân có đến 3 - 4 người nuôi bệnh. Họ cứ xúm quanh giường bệnh, rồi nói cười thoải mái cứ như ở nhà, mà không thèm để ý đến những người xung quanh. Phòng bệnh đã chật chội, bệnh nhân đông, lại thêm người nuôi bệnh khiến cho căn phòng thêm ngột ngạt. Nhiều lần các cô điều dưỡng nhắc nhở, nhưng hễ các cô vừa quay lưng là người nhà lại tràn vô phòng bệnh. Tình trạng quá tải này đâu chỉ gây mất trật tự, mà còn xảy ra mất cắp. Kẻ gian thường trà trộn vào những phòng đông người như vậy, lợi dụng khi có sơ hở là lấy cắp. Việc bệnh nhân mất tiền, mất điện thoại không phải là chuyện hiếm trong bệnh viện.

Cũng từ chỗ quá tải bệnh nhân, phòng - giường bệnh cũ kỹ, chúng tôi mới chợt nghĩ đến chuyện bảo đảm vô trùng cho người bệnh sau khi phẫu thuật. Vì chúng tôi không phải người trong ngành nên không biết có xảy ra trường hợp nhiễm trùng sau mổ hay không. Nếu so với khoa nội mới được xây dựng sau này, thì khoa ngoại bây giờ đã cũ lắm rồi, trong khi ngoại liên quan đến mổ xẻ. Người sau mổ nếu được nằm phòng lạnh, cơ sở vật chất tốt thì khả năng phục hồi sức khỏe của người bệnh chắc chắn sẽ cao hơn.

3. Nỗi khổ chung của người nuôi bệnh không phải sợ cực nhọc, mà những lúc ngồi không chẳng biết làm gì, khiến cho tâm trạng càng thêm căng thẳng, mệt mỏi. Ở các bệnh viện lớn tại thành phố thường có sạp báo nho nhỏ, giúp người bệnh, thân nhân nắm bắt được thông tin thời sự và để giải khuây. Còn ở BVĐK tỉnh thì tìm đỏ mắt cũng không thấy nơi nào bán báo. Tivi công cộng thì duy nhất chỉ có 1 cái trước khu khám bệnh, nhưng buổi tối không ai thèm bước chân đến đây, vì cách xa với các khoa điều trị.

4. Đến bất kỳ nơi công cộng nào, nhà vệ sinh luôn là vấn đề nhạy cảm nhất. Ở bệnh viện, nhà vệ sinh cũng có nhiều chuyện đáng nói lắm. Đầu tiên là nhà vệ sinh nhưng luôn mất vệ sinh. Mỗi khi bước vào đây là phải nhịn thở vì mùi amoniac. Có phòng vòi nước chảy cả ngày lẫn đêm, mỗi khi vào nhà vệ sinh phải xắn quần lội, nhưng không ai quan tâm để sửa chữa. Được biết, hiện nay bệnh viện đang  xây sửa lại nhà vệ sinh cho các khoa phòng, nhưng nếu như người nuôi bệnh không có ý thức giữ vệ sinh thì chẳng bao lâu tình trạng mất vệ sinh lại tái diễn. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân, vậy mà các nhà vệ sinh khá sạch sẽ. Đó là do bệnh viện đã phân công mỗi cô tạp vụ “canh giữ” một nhà vệ sinh. Bệnh viện ta liệu có làm được điều này?

H.Thái

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên