Coi chừng “Tào Tháo” rượt mùa nắng nóng

Cập nhật: 06-05-2011 | 00:00:00

Vào mùa nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, không khí oi bức, ẩm thấp làm thực phẩm dễ trở nên ôi thiu, ruồi nhặng sinh sản nhiều. Do vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa nắng nóng là vấn đề cần được mọi người quan tâm.

Để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, các bà nội trợ cần biết cách bảo quản thực phẩm vào mùa nắng nóng. Đặc biệt, tránh để thức ăn bị ôi thiu, một khi thức ăn đã bị ôi thiu thì tuyệt đối không nên sử dụng. Hiện nay vật giá leo thang, hầu như bà nội trợ nào cũng tìm cách tiết kiệm tối đa khi sử dụng thực phẩm. Phương pháp hâm đi hâm lại phần thức ăn thừa để tiết kiệm chi tiêu là cách mà ai cũng thực hiện trong thời buổi vật giá đắt đỏ này. Tuy nhiên, trước khi dùng cũng cần lưu ý xem thức ăn có mùi vị khác thường hay không.

 

Để bảo đảm an toàn VSTP cần sự chung tay của các ngành chức năng, các doanh nghiệp và của cả chính người tiêu dùng

Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng lo lắng nhất là vào mùa nắng nóng, nhiều tiểu thương  ướp hóa chất vào lượng thực phẩm với liều lượng hóa chất cao hơn nhiều lần mùa bình thường để thực phẩm không bị ôi thiu. Các chất sát khuẩn được người bán sử dụng nhiều trong việc ướp thực phẩm là hàn the, phoóc- môn, muối diêm nhằm làm chậm quá trình phân hủy của thực phẩm. Đáng sợ hơn, thời gian gần đây, có nơi, người bán còn dùng cả phân u rê để bảo quản cá và hải sản.

Thời tiết ẩm thấp khiến ruồi nhặng sinh sản nhiều, thế nhưng nhiều hàng quán chưa nâng cao ý thức an toàn vệ sinh. Tại một số khu vực nhà bếp của một số quán ăn còn quá sơ sài, thức ăn sơ chế nằm bừa bải trên sàn nhà, hệ thống cống rảnh không vệ sinh dẫn đến trường hợp xác ruồi trộn lẫn trong thức ăn của khách là chuyện có thật.

Nước giải khát cũng là một mối lo đáng để mọi người quan tâm. Để xua đi cơn khát, nhiều người sẵn sàng dừng chân ghé vào các điểm bán nước giải khát bên đường. Tuy nhiên, ít ai biết những loại nước mình vừa uống mát lạnh đó được pha chế, bảo quản trong điều kiện vệ sinh như thế nào?

Thực tế những điểm bán các loại nước giải khát như nước mía, bông cúc, sâm đắng, mía lau, rau má... dọc các con đường, trường học hầu hết thường trang bị dụng cụ rất thô sơ, chỉ đơn giản là một chiếc xe lưu động hay một cái kệ nhỏ, với những chai lọ cũ kỹ đựng các loại nước, vài cái ly, xô đá, xô nước rửa... bày bán trên lề đường, hòa lẫn với khói xe, bụi đường. Nhiều người cẩn thận tưởng đâu sử dụng nước dừa tươi sẽ được an toàn nhưng thời gian gần đây, dư luận cảnh báo tình trạng dừa tươi bày bán trên lề đường được tẩy trắng bằng một loại hóa chất cực độc. Sử dụng loại nước dừa ngấm hóa chất này sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa.

Vấn đề vệ sinh thực phẩm được nhà trường giáo dục từ khi chúng ta còn học mẫu giáo. Thế nhưng nhiều người cứ cho rằng chuyện ăn uống đơn giản chỉ là “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Đừng vì một “miếng ăn” để rồi bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến bệnh tiêu chảy vừa tốn tiền thuốc vừa mất thời gian chạy ra chạy vào nhà vệ sinh vì bị “Tào Tháo” rượt, thậm chí phải vào bệnh viện cấp cứu thì quả thật là đau nhưng chẳng biết phải trách ai đây!

  TUẤN HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên