Thị trường dược phẩm TPHCM nắm giữ trên 50% tổng lượng dược phẩm của cả nước với 20 nhà máy dược phẩm, gần 100 công ty làm nhiệm vụ lưu thông thuốc… Tuy nhiên, nền công nghiệp dược cả nước nói chung, TPHCM nói riêng vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún với trình độ ở mức thấp, chủ yếu sản xuất các dạng sản phẩm quy ước từ nguyên phụ liệu nhập khẩu… Đó là những vấn đề vừa được nhiều chuyên gia đặt ra tại hội nghị “Công nghệ tiến bộ trong công nghiệp dược và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ” do Sở KH-CN và Ban Quản lý KCN-KCX TPHCM tổ chức.
Sản xuất dược hay...nấu cao
Dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm SAVIPHARM cho rằng, trong những năm gần đây các doanh nghiệp dược ở TPHCM có những bước phát triển mạnh trong đầu tư sản xuất thuốc, chiếm 50% - 52% tổng lượng thuốc hàng năm. Thế nhưng, vẫn chưa thể đáp ứng xu thế phát triển của đất nước khi mô hình bệnh tật và xu hướng sử dụng thuốc đã có nhiều thay đổi, trong khi hầu như nguồn nguyên liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài.
Dây chuyền sản xuất thuốc của một doanh nghiệp dược trong nước.
PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định trình độ công nghiệp dược Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, “lép vế” so với các nước. Đó là chưa có công nghiệp sản xuất nguyên liệu dược, công nghiệp bao bì dược chủ yếu gia công từ nguyên liệu bao bì nhập khẩu và chưa đạt nhà thuốc thực hành sản xuất tốt (GMP). “Lâu nay nói là công nghiệp dược, nhưng thực tế nhiều công ty hiện vẫn dùng công nghệ lạc hậu, không khác gì nấu cao thuốc”, một chuyên gia thừa nhận.
Theo các chuyên gia dược học, mặc dù doanh số thuốc nội địa đã tăng nhờ mức độ tiêu thụ tăng lên và đã đạt 700 triệu USD vào năm 2009 (tăng 4 lần so với năm 2001), nhưng cũng chỉ đáp ứng được 55% mức tiêu dùng thuốc. Điều đó có nghĩa 45% còn lại rơi vào tay các hãng dược nước ngoài. “Trong khi cả năm 2009, ngành dược trong nước có 8.000 số đăng ký với 800 hoạt chất thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý thì thuốc nước ngoài đã hơn 8.000 số đăng ký”, PGS Truyền cho biết.
Một dẫn chứng nữa được các chuyên gia đưa ra là bằng phát minh sáng chế của Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm (từ năm 2000 - 2008) vẫn còn quá khiêm tốn. Số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ cập nhật đến năm 2009 cho thấy, trong giai đoạn 8 năm trên, Việt Nam chỉ có 13 bằng độc quyền sáng chế, trong khi nước ngoài có tới 1.198 bằng độc quyền sáng chế được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. “Điều đó cho thấy nghiên cứu và phát triển dược ở nước ta còn quá thấp, thực sự đã thua trên sân nhà”, một lãnh đạo Sở KH-CN TPHCM ngậm ngùi.
Cần chính sách hỗ trợ thích đáng
Mới đi vào hoạt động trong 2 năm qua, Công ty Dược phẩm SAVIPHARM được đánh giá cao về công nghệ sản xuất thuốc. Hiện công ty đã vận hành dây chuyền công nghệ theo nguyên tắc “không tiếp xúc - không bụi”, các thiết bị pha chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn châu Âu, quản lý sản xuất bằng hệ thống kiểm soát - thu thập dữ liệu tức thời (SCADA)… Để đạt được những công nghệ đó và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận GMP, SAVIPHARM đã chú trọng đầu tư công nghệ và được sự hỗ trợ kinh phí từ phía Nhà nước.
Riêng đề tài “Ứng dụng công nghệ SCADA nâng cao chất lượng dược phẩm sản xuất “ đã được hỗ trợ kinh phí thực hiện trên 12 tỷ đồng từ Quỹ phát triển KH-CN quốc gia, trong năm 2011 - 2012 được hỗ trợ kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng. “Nội lực của doanh nghiệp là một phần, nhưng chính sách hỗ trợ của Nhà nước có đóng góp rất quan trọng để nghiên cứu - phát triển đấy cũng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp dược”, DS Trần Tựu nhìn nhận.
Cũng với quan điểm tương tự, TS Lê Hậu, khoa Dược Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, với điều kiện nước ta chưa nhất thiết chú trọng đến nghiên cứu phát minh ra những loại thuốc mới, bởi chi phí rất cao. Theo TS Hậu: “Ngành dược Việt Nam chỉ cần tập trung sản xuất thuốc generic (đã hết bảo hộ độc quyền) cũng đủ xài cho nhu cầu điều trị trong nước, đồng thời chi phí thấp”. Còn nếu khá hơn, TS Hậu đề nghị ứng dụng các kỹ thuật mới để tăng tính khả dụng của các dạng thuốc có sẵn.
Về hướng nghiên cứu trong công nghiệp dược, PGS Lê Văn Truyền đề xuất ứng dụng công nghệ Nano trong sản xuất dược phẩm, ưu tiên đối với các hoạt chất khó tan chiết từ dược liệu; nghiên cứu sản xuất các thuốc tác dụng tại đích nhằm nâng cao tác dụng, giảm tác dụng phụ; nghiên cứu sản xuất các nhóm thuốc đặc trị bằng công nghệ bào chế “các hệ điều trị” thay vì sản xuất dưới dạng “bào chế quy ước”…
Song để sớm làm được điều đó, PGS Truyền đề nghị xây dựng và ban hành danh mục công nghệ tiến bộ ưu tiên trong công nghiệp dược, ban hành chính sách hỗ trợ từ ngân sách và quỹ nghiên cứu khoa học, khuyến khích doanh nghiệp trích lợi nhuận đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, nhập thiết bị mới, công nghệ mới… “Nghĩa là cần có sự bắt tay giữa 3 nhà: doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước mới thúc đẩy công nghiệp dược phát triển”, PGS Truyền nói.
Về mặt quản lý nhà nước trong KH-CN, ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho rằng, Quỹ phát triển KH-CN đã “vận hành” và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dược. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dược chưa chú ý và e ngại về thủ tục!
THEO SGGP