Lẩn quẩn quản lý giá thuốc

Cập nhật: 26-05-2010 | 00:00:00

Người dân bức xúc vì giá thuốc liên tục tăng cao nhưng cơ quan quản lý vẫn khăng khăng “được bình ổn”. Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc giá “trên trời” khiến người bệnh nghiến răng chịu. Vậy, thị trường dược phẩm TPHCM sẽ được quản lý ra sao để người dân yên tâm? Đó là những vấn đề đặt ra tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với Sở Y tế TPHCM chiều 25-5.

 

Cán bộ thanh tra kiểm tra một nhà thuốc tại TPHCM.

 

Loạn nhà thuốc

 

PGĐ Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong thời gian qua thị trường dược phẩm ở TPHCM không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý và tăng đồng loạt. “Sở Y tế được phép xem xét giá thuốc kê khai lại của các nhà máy sản xuất trên địa bàn TP. Với 22 nhà máy và trong tháng 3 và 4-2010 vừa qua chỉ xem xét 27 mặt hàng kê khai lại giá nhưng mức tăng không đáng kể”, bà Lan nói.

 

Tuy nhiên, theo bà Lan, đó là giá bán buôn, còn giá bán lẻ thì “vô tội vạ” bởi họ hoạt động theo Pháp lệnh giá và quy định của Bộ Y tế về niêm yết giá. Thế nên với hơn 4.000 nhà thuốc tại TPHCM hiện nay, không thể tránh khỏi việc “loạn” giá thuốc và cũng không kiểm soát nổi. “Chúng tôi chỉ có thể bình ổn giá thuốc chứ không thể bắt giá thuốc ổn định”, bà Lan phân bua.

 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, ngành y tế đã không quản lý được sự mua bán lòng vòng của các hãng dược, không xác định được giá thuốc bán trên thị trường đã hợp lý hay chưa. Do đó, có những loại thuốc trị viêm gan như Peg-intron lên tới vài triệu đồng/lọ mà người dân phải cắn răng chịu!

 

Mặc dù dân số TPHCM đông, nhu cầu chữa bệnh nhiều nhưng việc quá nhiều nhà thuốc khiến công tác kiểm soát không xuể. Thậm chí theo quy hoạch là 500m có một nhà thuốc nhưng thực tế “ra ngõ” gặp nhà thuốc. Điều đó khiến thuốc trôi nổi, không nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tràn lan.

 

Chưa hết, TPHCM hiện có hơn 663 công ty TNHH dược phẩm, nhưng không ít trong số đó “mọc ra” chỉ để làm trung gian, mua đi bán lại.

 

Thanh tra... quá yếu

 

Ông Nguyễn Văn Minh bức xúc, người bệnh diện BHYT nhưng bệnh viện yêu cầu ra ngoài mua thuốc vì danh mục thuốc bệnh viện không có. Liệu điều này có hợp lý không, khi người dân phải đóng tiền BHYT?

 

Đại diện BHXH TPHCM cho rằng, chi phí khám chữa bệnh BHYT thanh toán thì thuốc chiếm 50%. Riêng năm 2009, BHXH đã thanh toán tới 1.500 tỷ đồng cho giá thuốc nhưng cũng không ít bệnh nhân “kêu” bệnh viện không cho thuốc. Điều này do quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 05 về danh mục thuốc chỉ yêu cầu ghi thuốc gốc, còn biệt dược do bệnh viện lên danh mục nên không ít bác sĩ cứ “đè” biệt dược kê toa nên một số thuốc không có trong danh mục hưởng BHYT!

 

Cũng liên quan đến tình hình cung ứng thuốc tại bệnh viện, ông Tăng Cẩm Vinh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, thắc mắc nhà thuốc bệnh viện bán thuốc cao, thặng dư lãi bất hợp lý, điều này có phải bất cập trong công tác đấu thầu cung ứng thuốc cho bệnh viện?

 

Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận công tác đấu thầu thuốc vô bệnh viện còn chưa hợp lý, có những công ty dược trúng thầu giá cao nên bệnh viện phải bán giá cao, mặc dù thặng dư lãi vẫn đúng quy định. Nguyên nhân do công ty trúng thầu thực ra đã qua mấy bậc trung gian!

 

Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu HĐND TP không yên tâm là công tác thanh kiểm tra của Sở Y tế TPHCM quá yếu. Mặc dù ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, năm 2009 đã kiểm tra 4.465 cơ sở hành nghề y-dược, xử lý 752 cơ sở, nhưng theo ông Cái Quốc Thắng (Ban Tuyên giáo Thành ủy), đã xử phạt đủ răn đe chưa và tại sao có những nhà thuốc để cho tái phạm nhiều lần?

 

Ông Hùng thanh minh: Lực lượng thanh tra quá mỏng, chỉ có 3 thanh tra viên có thẻ thanh tra, trong khi số lượng cơ sở quá nhiều. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Minh từ đầu tháng 4-2010, Chủ tịch UBND TP đã có cuộc họp và ra kết luận yêu cầu củng cố thanh tra dược, giao Sở Y tế và Sở Nội vụ đảm bảo cán bộ thanh tra, đến nay vẫn còn thiếu là không hiểu được.

 

Trước tình hình trên, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, yêu cầu Sở Y tế TPHCM có cơ chế khuyến khích phát triển các chuỗi nhà thuốc nhập khẩu trực tiếp và bán tận tay người bệnh. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm những nhà thuốc, công ty dược và có biện pháp xử lý thật nghiêm.

 

“Nếu cần đề xuất UBND TP cho cơ chế riêng để quản lý, xử phạt trong lĩnh vực dược”, bà Ngọc Anh kết luận.

 

 THEO SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên