Dễ bùng phát sốt xuất huyết

Cập nhật: 16-08-2012 | 00:00:00

Bảy tháng đầu năm cả nước ghi nhận gần 40.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2011

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang “nóng”, đặc biệt tại khu vực phía Nam, ngày 15-8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tại TPHCM triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Số ca mắc tăng chóng mặt

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết hiện số bệnh nhân cả trẻ em và người lớn mắc SXH đang tăng. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận điều trị 30 trường hợp mắc. Trong 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú SXH tại bệnh viện thì có 5 ca rất nặng, phải hỗ trợ bằng máy thở.

Cũng theo bác sĩ Châu, các tỉnh cần chú ý tới SXH ở người lớn vì đối tượng này khi mắc SXH thường có những biến chứng phức tạp. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tư nhân cần chú ý điều trị SXH theo phác đồ chuẩn.

 Điều trị sốt xuất huyết cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết hiện mỗi tuần tại khu vực phía Nam ghi nhận thêm gần 2.000 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số mắc bệnh này từ đầu năm đến nay là  37.719 ca, trong đó có 24 người tử vong. Các địa phương có số ca mắc nhiều nhất là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang.

Theo TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận 39.897 ca mắc SXH; tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, có 26 người tử vong tại 12 địa phương. Số ca mắc nhiều nhất là khu vực miền Nam (chiếm gần 90%), kế đến là miền Trung. Các tỉnh có số ca mắc cao như Khánh Hòa (tăng 4,1 lần); Kiên Giang (tăng 3,4 lần); Bình Phước (tăng 2,5 lần); Bình Thuận (tăng 2,5 lần); Sóc Trăng (tăng 2,1 lần)… Nơi có nhiều ca tử vong do SXH là Đồng Nai (5 ca), TPHCM (5 ca), Bình Dương (3 ca), Bình Thuận (3 ca)…

Đừng quá phụ thuộc vào chương trình mục tiêu quốc gia

Dịch bệnh gia tăng như vậy nhưng theo đại diện các địa phương, việc phòng chống đang gặp khó khăn. Trong đó, khó nhất là thiếu nguồn kinh phí để dập dịch.

BS Trần Huỳnh Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, cho biết tại tỉnh này có hơn 650 ổ dịch với đủ 4 tuýp chủng virus SXH lưu hành và hiện số ca mắc tại đây đang tăng 1,5 lần so với bình thường. Tuy nhiên, việc xử lý ổ dịch chưa đạt hiệu quả, người dân chưa thay đổi hành vi phòng chống dịch bệnh. Một số huyện trước đây chưa có nhưng nay dịch bệnh này đã lan đến. “Đáng lo ngại là hiện đang vào mùa mưa và tựu trường nên nguy cơ lây bệnh rất cao” - ông Hùng lo lắng.

Ông Quách Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, than rằng địa phương dù rất cố gắng trong phòng chống và dập dịch bệnh SXH nhưng vẫn không giảm: “Làm thường xuyên nhưng tác dụng thấp, làm hoài mà vẫn còn. Tôi hứa với bộ trưởng và người dân lần này sẽ giảm cho bằng được”.

Theo BS Nguyễn Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cần Thơ, hiện nay, kiến thức về dịch bệnh của người dân khá đầy đủ nhưng việc thực hiện hơi kém. Với lại, khu vực ĐBSCL là điểm nóng của nhiều loại dịch bệnh song lực lượng cộng tác viên còn ít nên rất khó triển khai việc phòng chống, phải tăng cường đội ngũ này. Ông Nghĩa đề xuất Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT nên có văn bản phối hợp trong việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vì 80% học sinh tiếp xúc với giáo viên hằng ngày và kênh tuyên truyền này rất hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong phòng chống dịch bệnh SXH, ngành y tế chỉ bảo đảm  yếu tố chuyên môn, kỹ thuật, vấn đề còn lại là các địa phương. Bà yêu cầu các địa phương có số ca mắc, tử vong cao cần tăng cường phòng chống sát sao hơn để giảm thiểu đáng kể dịch bệnh. Ngoài ra, phải có giải pháp đột phá chứ như hiện nay, dù nhiều nơi làm tốt nhưng vẫn chỉ là “cù cưa” với dịch thôi chứ chưa hẳn đã chặn đứng.

Theo bà Tiến, các địa phương đừng quá phụ thuộc vào nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn kinh phí này chỉ tập trung vào hỗ trợ tập huấn, giám sát là chính còn kinh phí chính cho các hoạt động phòng dịch, trang bị máy móc phục vụ điều trị thì địa phương phải chủ động chứ không thể trông chờ vào nguồn khác. “Sắp tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các vụ, cục liên quan giải quyết đề xuất của các đơn vị nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất cho công tác dự phòng và điều trị bệnh SXH”- bà Tiến nhấn mạnh.

Lãng phí quá lớn

TS Trần Ngọc Hữu cho rằng có một số tồn tại trong việc  phòng chống SXH ở một số nơi. Cụ thể là việc phòng chống chưa đạt hiệu quả. Việc kiểm soát diệt lăng quăng là nỗi lo của ngành y tế. Nhiều nơi thiếu kinh phí phải “làm chay” hoặc chờ có tiền rồi mới làm nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm mà ỷ lại vào ngành y tế. Ngoài ra, việc chẩn đoán SXH đầu vào cao hơn đầu ra quá nhiều gây lãng phí quá lớn cho phòng chống dịch và gây hoang mang quá mức, chất lượng chống dịch còn yếu…

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên