Đi chơi: Khỏe mới vui

Cập nhật: 01-05-2010 | 00:00:00

Cuộc vui trên những chặng đường du lịch sẽ không thể nào trọn vẹn nếu sức khoẻ chúng ta gặp trục trặc.

Đã có những tai nạn đau lòng như đột quỵ khi chơi leo núi, ngất xỉu vì không chịu nổi những trò chơi mạo hiểm, nhiễm bệnh độc của vùng miền nơi đến tham quan… Hầu hết mọi người khi lên kế hoạch du lịch cũng chỉ quan tâm nhiều đến hành lý mang theo mà quên rằng sức khoẻ cũng là một thứ hành lý đặc biệt cần phải chuẩn bị trước khi khởi hành.

Cuộc sống và việc làm của con người trong xã hội hiện đại ngoài những điều thú vị còn có rất nhiều căng thẳng gây ra stress không có lợi cho sức khoẻ. Đi du lịch không những giúp khám phá những nền văn minh, những khu vực văn hoá khác với nơi chúng ta đang sống, mà còn góp phần rất quan trọng làm giảm đi các căng thẳng, giúp con người thư giãn và phục hồi sức khoẻ. Đây là một đặc điểm rất có giá trị của du lịch nghỉ ngơi.

Khám sức khoẻ trước khi đi

Với những cuộc du lịch tương đối dài ngày hoặc du lịch theo kiểu balô, để bảo đảm có một cuộc nghỉ ngơi và tìm hiểu văn hoá hoàn hảo, tránh những bất trắc về sức khoẻ trong quá trình du lịch, chúng ta nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ trước khi đi.

Khi khám cũng cần nói rõ mục đích, thời gian và hình thức du lịch để bác sĩ có một lời khuyên tốt nhất về tình trạng sức khoẻ hiện tại của mình, xem có khả năng tham gia cuộc du hành hay không? Ngoài ra khám sức khoẻ trước khi đi du lịch còn giúp phát hiện kịp thời những bệnh về tim mạch, hô hấp, xương khớp… có thể làm ảnh hưởng đến cơ thể về lâu dài hoặc gây ra bất trắc trên đường đi. Nếu có các bệnh này, tuỳ mức độ diễn tiến, bác sĩ sẽ khuyên chúng ta nên ở nhà chữa bệnh hay sử dụng thuốc trước khi đi du lịch.

Trong một số trường hợp như du lịch mạo hiểm, du lịch dài ngày đến những vùng có khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn đi vào xứ sở Tây Tạng, lên các vùng núi cao, thám hiểm rừng già Amazone, du lịch hành hương về đất Phật, thăm thánh địa Jerusalem… do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đường đi xa, phải qua nhiều loại địa hình phức tạp, có phần hiểm trở, người đi du lịch rất cần phải rèn luyện thể dục thể thao trước khi bắt đầu khởi hành. Những môn cần rèn luyện là những môn thể thao tăng cường sức bền bỉ, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể và các kỹ năng sống trong nhiều vùng văn hoá và khí hậu khác nhau. Thời gian luyện tập vào khoảng từ 2 – 3 tuần trước khi lên đường.

Tiêm ngừa và mang theo thuốc

Khi quyết định đến một vùng miền nào đó, người đi du lịch nên nắm vững tình hình địa lý, lịch sử và nhất là tình trạng bệnh tật lây nhiễm của vùng đó. Nếu có thể nên tiêm ngừa các loại bệnh thường gặp khi đi du lịch như: viêm phổi, cúm, tiêu chảy.... Tốt nhất vẫn là tránh đi vào các vùng đang có dịch bệnh vì thật ra không có một loại vắc-xin nào có thể bảo vệ con người 100% trước các tác nhân gây bệnh cả.

Ngoài ra, trước khi khởi hành cũng nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, giảm đau, chống nôn, trị tiêu chảy, vài miếng băng keo cá nhân, cồn y tế, bông băng, dầu gió, trà gừng... và những loại thuốc mà mình đang sử dụng theo đơn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc tim mạch, hen suyễn và chống dị ứng. Nhiều khi do thay đổi khí hậu, thời tiết, chế độ ăn… chúng ta dễ bị mắc phải những bệnh thông thường như: đau đầu, sổ mũi, đau bụng, tiêu chảy hay các vết trầy xước nhỏ. Nếu vì những bệnh này mà phải đi bệnh viện thì chi phí rất đắt đỏ, còn tự mua thuốc, nếu chúng ta du lịch nước ngoài, nhiều nước quy định các cửa hàng dược phẩm chỉ bán thuốc khi có toa bác sĩ, vì vậy sẽ rất khó mua. Tốt nhất vẫn là nên chuẩn bị sẵn từ nhà trước khi khởi hành.

Cảnh giác mầm bệnh từ ăn uống

Khi đi du lịch, thức ăn chín luôn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Dù có được giới thiệu ngon, bổ hay hấp dẫn đến mấy thì tất cả các món gỏi hải sản, thịt sống cũng đều là loại thức ăn không an toàn, nguy cơ chứa mầm bệnh rất cao.

Trong trường hợp đi chơi dài ngày ở những nơi hẻo lánh, thưa dân cư thì nên mang theo một số thực phẩm cần thiết để tránh thay đổi đột ngột thói quen ăn uống và lại ít tốn kém.

Trong quá trình du lịch, đói bụng là chuyện thường tình, nhưng không nên ăn uống tuỳ tiện. Nếu như gặp đâu ăn đó, rất dễ bị tiêu chảy hoặc nhiễm độc. Cẩn thận khi dùng các thực phẩm mới lạ.

Nếu có chọn mua đồ hộp, sản phẩm ăn liền đóng gói sẵn thì cần lưu ý nhãn hiệu bao bì, chọn hàng mới sản xuất và còn hạn sử dụng lâu, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, không bị chiếu nắng. Khi mở bao bì hoặc ăn nếu thấy khác lạ, thay đổi màu, mùi vị thì không nên sử dụng.

Ở những nơi chưa có nguồn nước máy dứt khoát chỉ uống nước đã nấu sôi. Tại một số đô thị lớn, cho dù nước đã được xử lý bằng hoá chất khử khuẩn thì vẫn có một số loài virút và ký sinh trùng có khả năng sống sót, vì thế cũng không nên uống nước trực tiếp từ vòi nước.

Tốt nhất nên chuẩn bị những chai nước đóng sẵn ngay từ lúc khởi hành. Cố gắng đừng để bị uống nước khi bơi lội, tắm hay tham gia các hoạt động dưới nước bởi đó cũng có thể là đường vào của một số mầm bệnh.

                                                                                    PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam

(THEO DÂN TRÍ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=352
Quay lên trên