Điều trị sốt xuất huyết bằng Đông y

Cập nhật: 05-12-2012 | 00:00:00
Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và gây thành dịch do virus Dengue gây ra thuộc họ Flavivirus có 4 tuýp kháng nguyên được xác định bằng huyết thanh D1, D2, D3, D4. Bệnh tán phát gây dịch quanh năm và cao điểm ở tháng cuối mùa hè đầu mùa mưa.

Triệu chứng và cách xử lý

Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng và suy chức năng cơ quan, có thể dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH chia làm 4 độ: Độ 1: sốt cao kéo dài từ 2 - 7 ngày, biểu hiện xuất huyết, dấu hiệu dây thắt dương tính (+), tăng thẩm thấu mao mạch nhẹ, tiểu cầu giảm nhẹ. Độ 2: dấu hiệu như độ 1, kèm theo có xuất huyết (ngoài da, niêm mạc, phủ tạng); thoát huyết tương nhẹ, tiểu cầu giảm nhẹ, chưa có dấu hiệu sốc. Độ 3: có dấu hiệu suy tuần hoàn, huyết áp hạ hoặc kẹp, mạch nhanh yếu, da lạnh, người bứt rứt vật vã, chảy máu bất thường ồ ạt, thoát huyết tương nhiều choáng, hạ tiểu cầu nhiều, tăng thể tích hồng cầu. Độ 4: thân nhiệt giảm đột ngột, sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh choáng mất máu, đông máu trong lòng mạch.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắcxin đề phòng bệnh. Do vậy, để phòng chống bệnh SXH cần làm tốt công tác dự phòng, công tác theo dõi và chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời các triệu chứng và biến chứng nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí trong điều trị.

Khi có dấu hiệu SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Điều cần lưu ý là SXH và sốt virus có những đặc điểm giống nhau, vì vậy không nên tự chữa ở nhà, mà phải đến cơ sở y tế. Riêng với những nơi vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận cơ sở y tế có thể điều trị SXH bằng Đông y.

Bài thuốc Đông y

SXH trong y học hiện đại được mô tả tương tự như bệnh ban hoặc bệnh chẩn khi chuyển thành dịch thì gọi là dịch ban, dịch chẩn và được xếp vào trong “Ôn bệnh” của y học cổ truyền.

Bài số 1: Cỏ nhọ nồi: 20g; cối xay (sao vàng): 8g; rễ cỏ tranh: 20g; kim ngân hoa: 12g; hạ khô thảo: 12g; sài đất: 20g; hòe hoa (sao vàng): 10g; gừng tươi: 3 lát.

Bài số 2: sinh thạch cao: 40g; huyền sâm (hoặc sinh địa) 20g; cỏ nhọ nồi (sao đên) 40g; cối xay (sao vàng) 8g; rễ cỏ tranh: 20g; sài đất (sao vàng): 20g; kim ngân hoa: 12g; hạ khô thảo: 12g; trắc bách diệp (sao đên): 30g; hòe hoa (sao vàng): 12g; hoàng đằng: 12g; chích thảo: 12g; cỏ ngọt: 6g; gừng tươi: 3 lát.

Bài thuốc được bào chế dưới dạng cao lỏng tỷ lệ 1:1 đóng chai 200ml, dạng thuốc sắc 3 chén, sắc lại còn 0,8 phân uống đều trong ngày.

BS LƯƠNG TẤN THÔNG (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên