Điều trị cho bệnh nhân ung thư gan - ảnh minh họa
GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, hiện nay số lượng người mắc bệnh ung thư gan ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, nhu cầu điều trị ung thư gan rất lớn và là thách thức lớn của ngành y tế.
Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã áp dụng thành công phương pháp mới điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ. Đây là kỹ thuật an toàn, hiệu quả điều trị cao. Đã có 3 người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật mới đạt kết quả khả quan và ra viện trong tình trạng sức khỏe tốt, không có các tai biến, biến chứng trong và sau quá trình tiến hành kỹ thuật.
“Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ có kích thước nhỏ, những hạt này sẽ được đưa vào động mạch gan đến đúng vị trí nuôi khối u. Những hạt này phát ra tia bức xạ beta với tên gọi là hạt vi cầu phóng xạ Y-90. Khi hạt vi cầu đến khối u sẽ phát tia phóng xạ và tiêu diệt tế bào ung thư. Tia bức xạ từ hạt vi cầu cũng đồng thời sẽ khiến việc lưu thông dẫn máu vào bị cản trở, nghẽn tắc làm cho khối u bị tiêu diệt. Đây là phương pháp điều trị vi cầu phóng xạ chọn lọc, các tế bào ung thư gan được tiêu diệt chọn lọc nhất, còn các tế bào lành xung quanh được bảo vệ an toàn nhất”, GS.TS Mai Trọng Khoa cho hay.
GS. TS Mai Trọng Khoa cũng khẳng định, đây là kỹ thuật khó, trên thế giới chỉ có một số nước có thể làm được. Ở Việt Nam, hiện có 2 bệnh viện thực hiện thành công là Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này cần có sự phối hợp nhiều chuyên ngành về ung thư, y học hạt nhân, điện quang can thiệp... và hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Hiện nay chi phí điều trị bằng phương pháp này khá cao trong khi bảo hiểm y tế vẫn chưa thanh toán./.
Theo VOV