Giảm tải bệnh viện - Còn nhiều rối rắm

Cập nhật: 10-07-2012 | 00:00:00

3 năm thực hiện Đề án 1816 (luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở) để giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải cho tuyến dưới nhưng xem ra hiệu quả thật sự chưa tương xứng. Vậy nên, một đề án mới đang thành hình - bệnh viện vệ tinh - cũng với vai trò tương tự nhưng mang tính quy mô hơn đã được Bộ Y tế đưa ra bàn thảo sáng 9-7 tại TPHCM với sự tham dự các bệnh viện (BV), sở y tế khu vực phía Nam, Tây Nguyên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rối rắm cần tháo gỡ.

  Tiếp nhận chuyển giao tốt kỹ thuật từ tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi TPHCM đã có thể phẫu thuật chấn thương sọ não.     Duy trì nhưng chọn lọc

Được đánh giá là có ý nghĩa xã hội nhưng Đề án 1816 triển khai từ năm 2008 vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong đợi. Tuy rằng một số BV cơ sở được “bắt tay chỉ việc” đã tiến hành được các ca phẫu thuật phức tạp nhưng cũng phần lớn không thực hiện được vì thiếu bác sĩ, trang thiết bị, cơ sở vật chất. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết đã có 72 BV tuyến trung ương cử cán bộ đi luân phiên xuống các BV tỉnh, chuyển giao được 26 chuyên ngành kỹ thuật như nội, sản, ngoại, nhi, hồi sức cấp cứu với tổng cộng 6.676 kỹ thuật, nhưng hiệu quả ra sao thì… khó đánh giá.

Ông Khuê cho biết: “Có tình trạng các BV tuyến trên khảo sát không kỹ nhu cầu tuyến dưới nên cử cán bộ đi luân phiên không phù hợp, hay BV tuyến dưới thiếu trang thiết bị, nhân lực nên không chuyển giao kỹ thuật được”. Là một BV trung ương nhưng PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, phải thừa nhận có những kỹ thuật mà cử cán bộ đi xuống chuyển giao nhưng đành đi về vì cơ sở chưa đủ chuyên môn, thiết bị để nhận chuyển giao như BV tỉnh Bình Phước và một số tỉnh vẫn liên tục chuyển viện nhiều trường hợp về chỉnh hình, ngoại tổng quát, chấn thương đầu, hàm, mặt… Trong khi đó, BS Nguyễn Đức Hảo, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đắc Nông - một trong những cơ sở nhận chuyển giao, hỗ trợ từ cán bộ Đề án 1816 - nói thẳng là quy định bác sĩ xuống cơ sở chuyển giao thời hạn ít nhất 3 tháng nhưng bác sĩ ở 1 - 2 tháng là đòi về kẻo sợ phòng mạch tư mất khách!

Đánh giá chung, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng Đề án 1816 vẫn còn những hạn chế. Bác sĩ luân phiên xuống cơ sở nhưng máy móc, thiết bị hỏng hết, thế là thay vì đi chuyển giao điều trị thì sửa máy móc hết thời gian. “Vấn đề là cơ sở cần cái gì, làm được cái gì để chuyển giao. Cái này thì giám đốc BV cơ sở phải biết, phải năng động để sắp xếp cử người đi học hoặc mời tuyến trên về chuyển giao, chứ không phải làm tràn lan được”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói. PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu khi đơn vị tuyến dưới đã được chuyển giao rồi, làm được rồi thì tuyến trên không nhận chuyển viện nữa, chứ cứ “kính chuyển” là không ổn. Vì vậy, bộ trưởng đề nghị vẫn duy trì Đề án 1816 nhưng làm có chọn lọc. “Cứ kéo nhau xuống cơ sở mà không có người, máy móc thì xuống làm gì. Nên chọn lọc, làm cái nào mà cơ sở tiếp nhận được, làm được. Đừng làm theo kiểu trăm hoa đua nở”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

    Mô hình bệnh viện mẹ - con

Nhằm nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới và giúp giảm tải tuyến trên, Bộ Y tế đang trình Chính phủ Đề án bệnh viện vệ tinh. Nói như Bộ trưởng Bộ Y tế thì có thể gọi là BV mẹ - con. Theo đó, các BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh có chuyên môn, kỹ thuật cao (BV mẹ) hỗ trợ toàn diện cho một số BV tuyến tỉnh trong khu vực (BV con). Chẳng hạn như BV Ung bướu TPHCM là BV chuyên khoa ung thư tuyến cuối sẽ hỗ trợ cho 5 đơn vị gồm BV Ung bướu Đà Nẵng, Khoa Ung bướu BV Đa khoa Khánh Hòa, Khoa Ung bướu BV Đa khoa Đồng Nai, BV Ung bướu Cần Thơ và Khoa Ung bướu BV Đa khoa Kiên Giang. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM cho biết, hiện 70% bệnh nhân của BV Ung bướu TPHCM là từ tuyến tỉnh chuyển lên, nên nếu hỗ trợ tốt cho 5 BV vệ tinh nói trên sẽ giảm tải được rất lớn.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, BS Minh đề nghị phải có chính sách cụ thể từ Bộ Y tế, UBND tỉnh và sở y tế nơi có BV vệ tinh; BV vệ tinh phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng độ… “Nếu được đồng thuận cao, BV tuyến trên sẽ đào tạo bài bản, cam kết chuyển giao cho BV tuyến dưới thực hiện tốt trên 80% kỹ thuật trong vòng 3 năm”, BS Minh nói. Một số BV khác cũng đã trình đề án BV mẹ - con, như BV Nhi đồng 1 hỗ trợ cho các BV nhi khu vực phía Nam gồm BV Nhi đồng Cần Thơ, BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang và BV Đa khoa tỉnh Cà Mau. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, mong đợi sau khi thực hiện đề án BV mẹ - con thì các BV con nói trên sẽ giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ chuyển viện, tăng công suất sử dụng giường nội trú và 100% bác sĩ, điều dưỡng được tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn… Các BV khác như Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 2 TPHCM cũng đã trình đề án BV mẹ - con với niềm tin là nếu được đầu tư kinh phí đúng mức, có sự đồng thuận của chính quyền địa phương nơi có BV con thì sẽ nâng cao được chất lượng khám, điều trị của tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây là đề án “đinh” trong tổng thể đề án giảm tải BV mà Chính phủ đã có chủ trương. BV mẹ - con sẽ là sự chuyển giao toàn diện từ đào tạo nhân lực, tư vấn đầu tư trang thiết bị đến quản trị BV, chứ không phải như Đề án 1816 là chỉ luân phiên cán bộ xuống cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

"Phải làm ra tấm ra món, phải ra sản phẩm. Tức là BV vệ tinh về ung bướu thì phải điều trị được hết các bệnh ung bướu, về tim mạch thì phải điều trị được tim mạch. Tuy nhiên, các BV vệ tinh được chọn phải được UBND tỉnh có công văn đồng ý. Bởi UBND tỉnh mới quyết định cho mua máy móc gì, thiết bị gì. Không có UBND tỉnh thỏa thuận thì chẳng làm được gì"

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên