BS Trần Thị Minh Nguyệt khám bệnh tại Phòng cấp cứu khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Theo bác sĩ (BS) Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì những ngày này bệnh nhi có gia tăng. Khu khám bệnh ngoại trú khám cho gần 500 bệnh/ngày. Số ca mắc bệnh TCM phát hiện được 15 - 16 ca/ngày. Hầu hết bệnh nhi mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp và đáng chú ý là bệnh TCM. Đây là thời điểm bệnh bắt đầu gia tăng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như giữ vệ sinh cho trẻ ở trường học. Theo lời khuyên của BS Nguyệt, hầu hết những bệnh kể trên liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể. Cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Biểu hiện của bệnh TCM là trẻ biếng ăn, khó chịu. Khi thấy con bị nổi bóng nước ở tay, chân và con khóc thấy miệng loét đỏ cần đến khám, chữa bệnh ngay ở cơ sở y tế. Với những biểu hiện của trẻ khi bệnh là giật mình, chới với, sốt cao liên tục không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, co giật… cần đến bệnh viện gấp để được điều trị kịp thời.
Với bệnh hô hấp, theo BS Nguyệt là không nên cho trẻ nằm quạt máy suốt đêm và hướng cánh quạt trực diện vào người. Bụi từ quạt máy không được lau rửa thường xuyên cũng là tác nhân gây dị ứng, mất vệ sinh dẫn đến bệnh hô hấp ở trẻ.
Bên cạnh việc giữ vệ sinh tốt, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, cho ăn thêm trái cây, sữa, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Với những trẻ lớn hơn có thể giáo dục trẻ cách tự chăm sóc bản thân, giữ vệ sinh ở nhà cũng như ở trường để phòng, chống bệnh thời điểm giao mùa được tốt hơn.
H.THUẬN - Q.NHƯ