Hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố: Không tiêu dùng thực phẩm không an toàn

Cập nhật: 15-04-2014 | 00:00:00

Thức ăn đường phố (TAĐP) có mặt khắp mọi nơi, được nhiều người sử dụng bởi sự thuận tiện của nó. Tuy nhiên, TAĐP luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Bác sĩ (BS) Lê Thị Kim Loan, Phòng Truyền thông - Ngộ độc thực phẩm Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã có những hướng dẫn nhằm hạn chế nguy cơ NĐTP từ TAĐP…

 

TAĐP không bảo đảm điều kiện ATTP tiềm ẩn nhiều nguy cơ NĐTP. Trong ảnh: Các điểm bán TAĐP trên đường Trần Văn Ơn trước trường Đại học Thủ Dầu Một Ảnh: HỒNG THUẬN

Để hạn chế nguy cơ NĐTP, theo BS Loan cần thực hiện các quy định yêu cầu bảo đảm ATTP TAĐP. Nơi bày bán thực phẩm phải cách biệt các nguồn ô nhiễm, bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp kinh doanh theo hình thức bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Phải bảo đảm về nguồn nước để chế biến, pha chế, sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp. Thực phẩm sống và thức ăn ngay phải bày bán riêng biệt, có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; nơi bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm; đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người bán hàng phải dùng găng tay sử dụng một lần. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP theo quy định. Đối với người kinh doanh TAĐP, phải tập huấn và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia kinh doanh TAĐP. Người kinh doanh TAĐP phải giữ vệ sinh cá nhân, thực hành bàn tay sạch, giữ vệ sinh nơi kinh doanh chế biến và dụng cụ chế biến, phục vụ ăn uống sạch sẽ; để riêng thực phẩm sống và chín, cũ và mới; nấu và chế biến đúng cách; bảo quản ở nhiệt độ an toàn và chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn trong kinh doanh TAĐP. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn chung việc cải thiện ATTP vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Để nhận biết thực phẩm TAĐP an toàn không khó, người tiêu dùng phải tự đấu tranh, không tiếp tay (tiêu dùng) thực phẩm không an toàn, thực phẩm bất thường về màu sắc, mùi vị lạ. Người kinh doanh không được sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm) chưa có dấu kiểm soát giết mổ và qua kiểm tra của ngành thú y.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên