Học cách lập nghiệp qua web

Cập nhật: 28-10-2009 | 00:00:00

                   

Sơ kết giai đoạn 1 chương trình "1000 Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua e-Learning".

Truyền kinh nghiệm "nóng hổi"

Nếu như trước đây, học viên chỉ được nghe chớp nhoáng những bài thuyết trình của doanh nhân tại hội trường trong các buổi giao lưu ngắn ngủi, thì trong "chương trình học cùng 1.000 doanh nhân" này, thời gian gặp gỡ, trao đổi lên tới 18-30 giờ đồng hồ cho cả khóa học. Các doanh nhân sẽ giảng, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, nóng hổi từ chính công việc của họ theo những chủ đề như: phỏng vấn tuyển dụng, kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp, kỹ năng viết văn bản...

Chương trình "1000 Doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua e-Learning" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức, hoàn toàn miễn phí với sinh viên.

Phát biểu tại Lễ sơ kết Giai đoạn 1 của chương trình, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN, đánh giá đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội sâu rộng và hưởng ứng một cách thiết thực Đề án "Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp" của Chính phủ - một đề án quan trọng nhằm xây dựng "nguyên khí cho quốc gia".

"Kiến thức hàn lâm của nhà trường cần được bổ sung bằng kiến thực thực tế. Đó là điều mà thị trường lao động đòi hỏi, xã hội đòi hỏi, thanh niên đòi hỏi. Đến với chương trình, sinh viên được bổ sung thêm kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, giao tiếp...Họ cảm thấy tự tin hơn khi tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân".

Về phần mình, các doanh nhân tham gia chương trình cũng đã giải quyết được bài toán khó: "Có lòng mà không có lực". Trước đây, nhiều vị doanh nhân có nhiệt huyết với giới trẻ nhưng lại không thể bố trí nhiều thời gian để đứng lớp. Nếu tham gia giảng dạy qua mạng (E-learning), chỉ cần một kết nối Internet ổn định là lớp học có thể diễn ra. Không chỉ cho đi, doanh nhân cũng có thể nhận lại khá nhiều khi tham gia chương trình.

"Chúng tôi có dịp hoàn thiện mình hơn trong giao tiếp, trong các kỹ năng trình bày, lắng nghe, xử lý tình huống đột xuất. Cá nhân tôi đã có cơ hội giao lưu, chia sẻ với các đồng nghiệp là giảng viên cũng như nhiều doanh nhân khác tham gia chương trình, mở rộng các mối quan hệ xã hội của mình", ông Đào Trọng Khang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty DTK Consulting, một giảng viên của chương trình tâm sự.

"Tôi làm trong lĩnh vực giáo dục, nên thẳng thắn mà nói, ở trong chăn cũng biết rõ là có rận. Một bộ phận rất lớn của Giáo dục Việt Nam hiện nay đang áp dụng nguyên lý ông thầy đồ dạy một bồ chữ. Có nghĩa là thầy chỉ dạy những thứ thầy có, theo kiểu ban phát. Trò chỉ học những thứ thầy cho một cách hoàn toàn thụ động. Đến cuối kỳ, thầy lại chỉ kiểm tra những thứ thầy dậy. Đây chính là bất cập lớn trong xã hội tri thức hiện đại", Giáo sư Nguyễn Lân Trung, người đã tích cực tham gia Chương trình từ những ngày đầu chia sẻ.

Sinh viên "biết" mà không "biết làm"?

Ông Trung có dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân rằng "Nếu những sản phẩm mà các trường Đại học tạo ra (tức các sinh viên tốt nghiệp) không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của xã hội, thì nhà trường phải nên tự hỏi xem sự tồn tại của mình có nên bị xóa sổ hay không". Một thực tế không thể phủ nhận là sinh viên ra trường hiện nay thiếu trầm trọng các kỹ năng mềm để có thể bắt tay ngay vào làm việc. Giữa "biết" và "biết làm" đang tồn tại một khoảng cách quá lớn, và theo ông Trung, huy động sự trợ giúp của các nguồn lực xã hội bên ngoài chính là một giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả cao.

"Sự phát triển của nguồn lực xã hội cho phép chúng ta thay đổi phương thức đào tạo. Nói cách khác, xã hội đang tiếp sức cho nhà trường. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhiều trường coi việc doanh nhân tham gia đào tạo cho sinh viên chỉ là hoạt động ngoại khóa, không bắt buộc nên hỗ trợ một cách hời hợt, uể oải, nghĩa vụ là chính. Họ chưa thật sự ý thức được những gì sinh viên của trường có thể thụ hưởng từ chương trình này", ông Trung chỉ ra một thực tế.

Bắt đầu thí điểm từ tháng 3-2009, hiện chương trình đã bước vào giai đoạn 2 với mục tiêu là nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Sẽ có 200 doanh nghiệp tham gia giảng dạy cho 5000 sinh viên hoàn toàn miễn phí. Tất cả những gì sinh viên cần làm chỉ là đăng ký với nhà trường, hoặc mở một tài khoản trực tiếp trên cổng Thông tin Thánh gióng. Sau đó, họ sẽ có thể tiếp nhận các bài giảng dưới cả dạng text lẫn file video trên mạng, tham gia vào các diễn đàn để trao đổi, thảo luận, thực hành các kỹ năng tại những buổi học offline, làm các bài tập, trắc nghiệm do chương trình yêu cầu, gửi file bài tập về cho giảng viên chấm điểm, đánh giá....

Mặc dù vậy, các giảng viên và học viên tham gia chương trình vẫn đưa ra một số kiến nghị như chương trình cần được quảng bá rộng rãi hơn để đông đảo các bạn sinh viên được học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ doanh nhân, các đơn vị cung cấp khóa học là TOPICA và Cổng thông tin Thánh Gióng cần chuẩn bị tốt về dung lượng truy cập mạng, quy trình cung cấp tài khoản và mật khẩu cho học viên cần đảm bảo ba tiêu chí: nhanh chóng, dễ dàng, trôi chảy.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên