Hội Laser y học tỉnh: Nỗ lực vì sức khỏe người dân

Cập nhật: 26-11-2013 | 00:00:00
 Qua 20 năm (1993-2013) hình thành và phát triển, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, đam mê nghiên cứu về y học để ứng dụng vào chữa trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Hội Laser y học tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả đáng trân trọng. Nơi đây là ngôi nhà chung của những y, bác sĩ, những nhà khoa học đam mê, nhiệt huyết với nghề.

 Hành trình đưa đông y đến với mọi người

Có thể nói rằng, công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh theo phương pháp chữa trị đông y đã được các hội viên Hội Laser y học tỉnh duy trì và ứng dụng đạt hiệu quả cao. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, hội đã không ngừng lớn mạnh và tập hợp được một đội ngũ những nhà khoa học, thầy thuốc, kỹ thuật viên đa lĩnh vực, là những người đương nhiệm hoặc nghỉ hưu quan tâm đến laser y học tham gia. Đến nay, hội tập hợp trên 450 hội viên trong và ngoài tỉnh.   Báo cáo nghiệm thu dự án ứng dụng laser bán dẫn

20 năm không phải là dài nhưng đối với một tổ chức chỉ dựa trên cơ sở của tinh thần tình nguyện như Hội Laser y học là một chặng đường phát triển nhiều sự kiện và bước ngoặt ý nghĩa. Lương y Lê Hưng, thầy thuốc ưu tú, người sáng lập Hội Laser y học tỉnh và tham gia nhiều nhiệm kỳ chủ tịch hội nhớ lại: “Tôi còn nhớ, năm 1984, Ban Tuyên giáo tỉnh Sông Bé cho phép thành lập Câu lạc bộ Khoa học châm cứu để tập hợp đội ngũ thầy thuốc đông y - châm cứu trong và ngoài tỉnh, nhằm phát triển và ứng dụng rộng rãi nền y học truyền thống dân tộc trong cộng đồng.

Bằng phương pháp quang châm, quang trị liệu laser bán dẫn công suất thấp, toàn tỉnh đã điều trị trên 767.000 lượt bệnh nhân, giúp cho người bệnh được điều trị tại Trạm Y tế xã, phường không phải đi xa nên giảm chi phí và thuận tiện trong việc lao động sản xuất. Ngoài ra, hội viên Hội Laser tỉnh còn rất nỗ lực trong công tác từ thiện, hỗ trợ điều trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, trị giá trên 50 triệu đồng/năm. Hội còn phối hợp các nhà tài trợ tổ chức đợt hoạt động từ thiện cấp phát bột ngũ cốc dinh dưỡng cho người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trị giá hàng hóa cấp gần 120 triệu đồng…

Kết quả sau 2 năm hoạt động, tổ chức này đã tạo được tiếng vang, bà con xa gần đã tín nhiệm hiệu quả chữa bệnh của học thuật châm cứu và Sở Y tế Sông Bé chấp thuận đề nghị của Viện Châm cứu (Bộ Y tế) cho tiến hành thành lập Hội Châm cứu Sông Bé (là thành viên của Hội Châm cứu Việt Nam do giáo sư - bác sĩ Nguyễn Tài Thu làm lãnh đạo). Thời gian này người bệnh đến điều trị theo phương pháp y học cổ truyền rất đông.

Tuy nhiên vào khoảng quý II-1992, số người đến chữa bệnh giảm đi một cách bất ngờ. Lý do thật đơn giản, vì lúc này mọi người nói với nhau nhiều về căn bệnh HIV có thể lây qua đường máu, mà phương pháp châm cứu thì dụng cụ chính là cây kim châm cứu. Mặc dù các bác sĩ đã luôn kỹ lưỡng bảo đảm vô trùng tất cả các dụng cụ phục vụ thao tác châm cứu, nhưng…”.

Sự việc này đã làm cho những người có tâm huyết với Hội Laser y học thật sự trăn trở. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”, Hội Laser y học tỉnh, với sự đóng góp tích cực của bác sĩ Phạm Diệp Đuộc đã nhanh chóng tiếp cận bộ môn “quang châm laser bán dẫn công suất thấp”.

Các chương trình tập huấn, học tập về bộ môn này được tổ chức rất bài bản cho đội ngũ thầy thuốc châm cứu. Sở Y tế Sông Bé và Sở Tài chính cũng đã chấp thuận cung cấp kinh phí trang bị một số thiết bị laser châm. Từ đây tại các bệnh viện có thêm khoa điều trị bệnh mới, đó là khoa Quang châm laser, giúp bệnh viện thêm tiện nghi phục vụ chữa bệnh cho người dân.

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ -Bác sĩ Phạm Ngọc Thái, thầy thuốc ưu tú nhấn mạnh, hoạt động chữa bệnh nội ngoại trú bằng đèn chiếu laser được triển khai hoạt động đặt tại khu khám đa khoa Bệnh viện tỉnh với sự hưởng ứng của mọi người trong nhiều năm. Khi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh tiếp thu nhiệm vụ trên giao và được đẩy mạnh hơn nữa từ năm 1993.

Góp phần chăm sóc sức khỏe người dân

Qua quá trình không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng các kiến thức khoa học về đông y - châm cứu vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, Hội Laser y học tỉnh đã khẳng định được vị trí và vai trò của mình thông qua những thành tựu nổi bật đã đạt được. Do phải tự túc về mọi chi phí hoạt động nên kinh phí là thách thức lớn nhất đối với yêu cầu phát triển của hội.    Hội thảo Hội Laser y học công nghệ cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tuy nhiên, bằng những kết quả thiết thực, hội đã nhận được sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, sự tham gia tích cực, hào hứng của các nhà khoa học. Hội đã cho ra đời và duy trì tốt bản tin chuyên san về quang châm laser phát hành hàng quý. Đây là kênh thông tin để các nhà khoa học có những đề tài nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ chữa bệnh, những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo trong công tác khoa học mới.

Chi hội Laser châm cứu TX.Thủ Dầu Một, Sông Bé được thành lập ngày 18-12- 1993 theo Văn bản số 33/ HCC của giáo sư Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam. Năm 1999, CLB Laser y học Thủ Dầu Một, Bình Dương được thành lập theo Quyết định 66/1999/ QĐ-CT ngày 7-5-1999 của UBND tỉnh. Năm 2002, Câu lạc bộ Y học Thủ Dầu Một, Bình Dương được chuyển thành Hội Laser y học tỉnh Bình Dương theo Quyết định 129/2002/QĐ-UB ngày 13- 11-2002 của UBND tỉnh.

Năm 2003, UBND tỉnh công nhận Ban Chấp hành và phê duyệt điều lệ của Hội Laser y học tỉnh theo Quyết định 108/2003/QĐ-UB ngày 26- 3-2003 của UBND tỉnh. Sau này, điều 6 chương III được điều chỉnh lại theo quy định của các Quyết định 2483/ QĐ-UBND ngày 12-8-2008 của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, hội còn tổ chức các khóa đào tạo, đã đào tạo cho 400 kỹ thuật viên trong tỉnh, 200 người ngoài tỉnh. Hội viên của hội tham gia là thành viên hội đồng phản biện cho các luận văn tốt nghiệp của trường Đại học Bách khoa TP.HCM, thực hiện nhiều dự án lớn, đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh, ứng dụng laser vào việc điều trị bệnh cho người dân…

Với những nỗ lực và thành quả đạt được, Hội Laser y học tỉnh đã được các cấp lãnh đạo, các sở, ban, ngành luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động. Hiện nay trên toàn quốc chỉ có hai tổ chức pháp nhân được phép hoạt động về laser y học là Hội Laser y học Bình Dương (thế mạnh ứng dụng laser công suất thấp), Hội Laser y học và ngoại khoa TP.HCM (thế mạnh ứng dụng laser công suất cao), còn các tỉnh, thành khác thì chỉ có tổ, nhóm các thầy thuốc hoạt động đơn tuyến về laser.

20 năm đã qua, một chặng đường rất vẻ vang của Hội Laser y học tỉnh đã đạt được những thành tựu tích cực, góp phần vào nhiệm vụ của ngành y tế tỉnh trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với thành tích nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án, đã có nhiều hội viên đạt danh hiệu gồm: 6 thầy thuốc ưu tú, 1 thầy thuốc nhân dân, 10 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, các hội viên được trao tặng nhiều huy chương vì sự nghiệp sức khỏe, vì sự nghiệp liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật; UBND tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen.

 NGỌC TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=588
Quay lên trên