Hội nghị giao ban trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013”: Phải chủ động phòng 4 loại dịch bệnh

Cập nhật: 22-10-2012 | 00:00:00
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm ở người, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh 3 tháng cuối năm 2012 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013” do Bộ Y tế tổ chức vào sáng ngày 20-10.

  Vệ sinh môi trường là một trong những biện pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh SXH 

Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình hình dịch bệnh trong thời gian qua trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bệnh mới phát sinh, các đại dịch cúm xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và xã hội. Một số bệnh tưởng chừng như đã khống chế được nhưng tái bùng phát ở một số tỉnh, thành trên cả nước, như: bệnh sốt rét, bệnh dại, viêm não, bệnh tả. Ngoài ra, còn có một số bệnh đã lưu hành thường xuyên và tỷ lệ chết khá cao, như: tay - chân - miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH)… cùng với thời tiết diễn biến bất thường và diễn biến phức tạp của bệnh khiến bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước ghi nhận 103.561 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành, trong đó có 41 trường hợp tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. Kết quả xét nghiệm các type vi rút gây bệnh TCM năm 2011, các trường hợp mắc EV71 chiếm 43,6%, EV khác 30,3%, âm tính 26,1%; các trường hợp chết EV71 chiếm 80%, EV khác 16,8%.

“Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung giải quyết 4 loại bệnh lây nhiễm trọng tâm là: dại, cúm, TCM và SXH; ngành y tế và ngành giáo dục cần có đợt tổng kiểm tra về nguy cơ phòng chống bệnh dịch trên cả nước theo các tiêu chí cụ thể, như: rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, ngủ có màn và diệt lăng quăng; đối với nhà dân cần kiểm tra đánh giá 3 công trình: nhà tắm, giếng nước và ao hồ; đối với trẻ em cần kiểm tra, đánh giá việc: ăn sạch, uống sạch, chơi sạch.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế có hướng dẫn các địa phương để tổ chức tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm tới kiểm soát cúm gia cầm và chó dại đang có nguy cơ bùng phát, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng đề cương tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh trong năm 2013. ”

Trong 5 năm gần đây, số mắc SXH có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực miền Nam và miền Trung. Từ đầu năm đến nay có 51.256 trường hợp mắc SXH, so với cùng kỳ tăng 20,5%, tử vong tăng 10 trường hợp. Số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam chiếm 86,2% số mắc và 85,4% số tử vong của cả nước. 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất cả nước là: Bình Phước, Bình Dương, Long An, Khánh Hòa, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng.

Riêng tại Bình Dương, tình hình dịch bệnh 9 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh, có 3.865 ca mắc SXH, tăng 21,27% so với cùng kỳ, trong đó có 5 trường hợp tử vong; có 2.240 trường hợp mắc TCM, giảm 4,15% so với cùng kỳ, không có trường hợp tử vong.

SXH trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, mặc dù ngành y tế đã chủ động có nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, như: đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức phun xịt hóa chất diện rộng tại các điểm nóng về SXH, triển khai diệt lăng quăng; triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường…

Trong 3 tháng cuối năm 2012 và kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013, ngành y tế Bình Dương tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; tăng cường giám sát, kiểm tra dịch bệnh tại các tuyến, nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, thuốc, phương tiện xử lý các ổ dịch nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, tập trung phòng, chống các dịch bệnh: TCM, SXH, cúm A H5N1, cúm A H1N1, sốt rét, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người…

T.PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên