Mấy ngày gần đây, khi thời tiết chuyển lạnh, số bệnh nhi vào viện tăng vọt. Tại 2 bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 trẻ đến khám, trong đó bệnh về hô hấp chiếm gần 70%.
Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết thường bệnh về đường hô hấp phổ biến là trẻ bị ho, nhiều phụ huynh sốt ruột và vội vàng cho trẻ uống thuốc trị ho. Trong nhiều trường hợp, điều này sẽ làm bệnh của trẻ nặng thêm, thậm chí có hại vì không phải thuốc ho nào cũng dùng được cho trẻ.
“Trẻ ho có thể do nhiều nguyên nhân: Ho để tống đàm, nhằm làm sạch đường hô hấp, gọi là ho đàm, đây là một phản xạ có tính chất bảo vệ, không nên dùng thuốc ức chế vì sẽ làm tụ đàm, có hại cho trẻ. Chỉ nên uống nhiều nước và thuốc long đàm, thuốc tiêu đàm. Khi hết đàm nhớt bé sẽ hết ho. Ho do kích thích như khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu, sưng viêm đường hô hấp. Đây là ho khan, loại ho này không có tính chất bảo vệ, làm trẻ mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu, cần phải ức chế bằng thuốc trị ho, và có thể thêm thuốc làm dịu cơn ho”. Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Nga tham vấn.
Có phải thuốc ho nào cũng được dùng cho trẻ không? Câu trả lời là quý phụ huynh không nên tùy tiện dùng thuốc trị ho cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Bởi vì ho có thể là một triệu chứng của một bệnh khác. Có những cơn ho do suyễn hay do dị ứng, cần phải dùng thuốc giãn phế quản. Ho do viêm mũi làm dịch mũi chảy xuống hầu họng, phải dùng thuốc kháng sinh và thuốc chống sung huyết mũi. Ho do trào ngược dạ dày thực quản thì dùng antacid. Chỉ có bác sĩ xác định được nguyên nhân và có cách xử trí thích hợp.
M.TÂM (ghi)